Chúng tôi về Thạch Kim một ngày cuối tháng 8 trong lúc địa phương này đang huy động hàng chục người dân, xe, máy đào đắp, nâng cấp con đường liên xã đúng với tiêu chí NTM, thế nhưng con đường này cũng chỉ làm lại trên nền đường cũ mà không mở rộng ra được mét nào bởi hai bên hành lang đường đã là cửa ra vào nhà dân.
Gặp Bí thư đảng uỷ xã Phạm Xuân Đức tại trụ sở làm việc, chúng tôi nhìn thấy trên khuôn mặt xấp xỉ tuổi lục tuần của ông đang đau đáu một nỗi niềm gì đó chưa biết bày tỏ cùng ai. Trò chuyện được một lúc ông Đức tâm sự: Thạch Kim là xã ven biển với hơn 1,1 vạn dân sống trên diện tích hơn 30 ha. Toàn xã không có đất sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập người dân chủ yếu dựa vào biển nên rất bấp bênh, những ngày sóng yên biển lặng thì còn có cái mà ăn khi mùa mưa bão đến thì nhà nào nhà ấy chỉ biết nhìn nhau than ngắn thở dài. “Hiện xã chúng tôi đang tập trung thực hiện các tiêu chí NTM nhưng để hoàn thành được các tiêu chí này Thạch Kim đang gặp rất nhiều thách thức do vì thiếu nguồn lực. Chúng tôi mong rằng Trung ương, tỉnh sớm tạo điều kiện giúp Thạch Kim giải 6 bài toán liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân hiện nay”- ông Đức nói.
|
|
Trước hết là về kè chắn sóng biển, đây là tuyến kè bảo vệ trực tiếp cho hơn 300 hộ dân của xã trong mùa mưa bão với chiều dài khoảng 1,5 Km. Chủ tịch UBND xã Hà Minh Tân cho biết: “Nghe cấp trên bảo đã có dự án xây dựng tuyến kè này từ cách đây mấy năm nhưng đến nay nguồn lực vẫn “bặt vô âm tín” trong khi mùa mưa bão mới lại đang cận kề, nguy cơ biển nuốt làng, nuốt dân ngày một hiển diện”.
Vấn đề thứ hai là nước sạch. Từ trước tới nay người dân Thạch Kim phải sử dụng nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn, nhiễm độc tố để tắm giặt, còn nước ăn uống thì chèo thuyền đi mua với giá đắt đỏ hơn 100.000đ/m
3, điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Biểu hiện rõ nhất là trong gần chục năm lại nay Thạch Kim trở thành điểm nóng đáng báo động về số lượng người chết do bệnh ung thư.
|
Người dân Thạch Kim đang phải mua nước sạch giá cao để sử dụng |
“Sống không đất ở, chết không đất chôn”, câu nói cửa miệng của người dân Hà Tĩnh khi nhắc đến Thạch Kim. Đây chính là bài toán thứ ba mà Thạch Kim cần gấp rút giải quyết lúc này. Những năm gần đây không chỉ người sống phải di dân sang các xã lân cận mua đất để ở mà người chết cũng phải gánh sang xã bạn kiếm vài ba tấc đất để an nghỉ.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, vì đất chật người đông nên người dân Thạch Kim luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường bởi không còn đất để quy hoạch bãi rác. Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí NTM nhưng hiện tại toàn bộ rác thải người dân Thạch Kim đều đem vứt dọc bờ biển khiến cho tình trạng ô nhiễm diễn ra ngày càng nghiêm trọng cả trên đất liền và dưới biển.
Một trăn trở nữa mà lãnh đạo và nhân dân xã Thạch Kim đang lo lắng là các luồng lạch vào ra, nhất là ở khu vực cảng cá bị bồi lắng ngày một chất chồng.
Một ngư dân mồ hôi nhễ nhại từ dưới thuyền đi lên nói vọi với chúng tôi: “Khổ lắm chú nhà báo ơi, từ trước tới nay cảng cá là nơi để tàu thuyền chúng tôi neo đậu mỗi lúc sóng to, gió lớn nhưng bây giờ vì chặn dòng Bara Đò Điệm nước biển thoả sức vỗ bờ nên bao nhiêu cát cứ bồi lắng lại khiến cho tàu thuyền không thể vào neo đậu. Chúng tôi thiết tha mong muốn Nhà nước có dự án nạo vét cảng cá giúp ngư dân chúng tôi an tâm bám biển hơn”.
Nỗi niềm lo lắng cuối cùng của Đảng bộ, nhân dân Thạch Kim là vấn đề tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân an tâm bám biển, bởi vài năm lại nay chi phí cho mỗi chuyến ra khơi ngày càng cao, trong khi đó ngư trường đánh bắt gần bờ ngày một cạn kiệt. Vì thế, để khuyến khích ngư dân xa khơi, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, đối với huyện, xã còn hỗ trợ thêm 200 triệu đồng cho tàu có công suất từ 90-200CV trở lên, góp phần giúp ngư dân có một phương tiện ra khơi bám biển an tâm hơn.
Xã biển Thạch Kim vẫn đang cố gắng huy động mọi nguồn lực để cùng đồng hành với tỉnh XD NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Nhưng để địa phương này hoàn thành các tiêu chí đúng với yêu cầu đề ra cấp trên cần có giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn lực để Thạch Kim phát triển bền vững hơn.
Thanh Nga
Báo Nông nghiệp Việt Nam