Những năm trở lại đây, tại huyện Lộc Hà nhiều nghề thủ công truyền thống được chú trọng đầu tư, phát triển một cách mạnh mẽ, không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập, giải quyết thời gian nhàn rỗi cho bà con nông dân mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất của các địa phương.
Ngày 7/11/2016
, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3136/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề truyền thống Chổi đót Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm chổi đã xuất hiện ở Hà Ân từ lâu và gắn bó máu thịt với bà con nơi này. Làm chổi không chỉ là một công việc mà nó còn là một nét đẹp văn hóa riêng của xã Thạch Mỹ. Theo thông tin từ Hội Nông dân xã chia sẻ: “Thôn Hà Ân là thôn chuyên về làm chổi. Cả làng có trên 200 hộ tham gia sản xuất với khoảng 600 lao động trong và ngoài độ tuổi. Mỗi năm cả làng tiêu thụ khoảng trên dưới 600 tấn đót và tung ra thị trường trên 6000 cái chổi. Nghề này rất nông nhàn, bà con có thể làm quanh năm và cho thu nhập ổn định”.
Người dân thôn Hà Ân, Xã Thạch Mỹ đang hăng say làm chổi đót
Nguyên liệu để làm chổi là từ đót khô và nguồn này rất phong phú. Đót được bà con nhập về từ các tỉnh miền núi Bắc Bộ như: Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn, nhưng chủ yếu được nhập từ nước bạn Lào là chính. Mỗi tấn đót dao động từ 23 đến 25 triệu đồng, thậm chí ngày Tết có thể lên tới 29 triệu đồng. Nguồn nguyên liệu này được các thương lái chở từng xe ô tô về tận nhà các hộ sản xuất để bán, nhưng cũng có một số hộ tự đi để tìm kiếm thị trường. Vào thời điểm cuối năm, cụ thể là khoảng đầu tháng 12, một số hộ gom vốn để ra các tỉnh phía Bắc hoặc sang Lào để mua và thu gom hàng trăm tấn đót về địa phương vừa sản xuất, vừa cung cấp cho các hộ khác trong làng.
Xe chở đót đưa nguyên liệu về nhập tới tận từng hộ gia đình.
Không chỉ dừng lại ở làng Hà Ân, thời gian vừa qua, xã Thạch Mỹ đã phối hợp với nhiều Trung tâm dạy nghề mở các lớp học nghề làm chổi ngắn hạn cho nhân dân. Chủ trương của xã là mở rộng nghề làm chổi và đây cũng là một cách làm hữu hiệu để gìn giữ, phát huy nét đẹp làng nghề và nâng cao chất lượng mẫu mã hàng hóa để mở rọng thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các học viên đã thành thạo tay nghề và thực hành có hiệu quả, sẵn sàng tham gia sản xuất để nhân rộng nghề làm đót, một nghề đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã.
Quyết định công nhận làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là việc làm nhằm ghi nhận, tôn vinh, khẳng định thương hiệu cho một số sản phẩm truyền thống của Hà Tĩnh, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống mang bản sắc địa phương. Đây cũng là một hướng đi mới trong phát triển du lịch của Hà Tĩnh.
Theo Hoàng Yên - Phòng GD&ĐT Lộc Hà/locha.hatinh.gov.vn