Mô hình rau an toàn tại xã Thạch Châu
Mô hình "ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tập trung" do Trung tâm ứng dụng KHHT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà trực tiếp triển khai tại thôn Hồng lạc, xã Thạch Châu có diện tích rộng 20 sào với tổng mức đầu tư hơn 351 triệu đồng. Trong đó có hơn 101 triệu đồng được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho việc mua giống, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động công nghệ Isarel, máy làm đất mini đa năng; tập huấn, chuyển giao KHKT… Số còn lại là do nguồn vốn đối ứng của gần 20 hộ dân trong tổ hợp tác thôn Hồng Lạc.
Nhờ ứng dụng quy trình sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống, chế độ bón phân, tưới nước, bảo vệ cây trồng ... đều được tuân thủ và quản lý chặt chẽ theo quy trình sản xuất rau an toàn VietGap, đến nay các vườn rau, củ của mô hình đã cho hiệu quả với năng suất và chất lượng cao. Nhất là với một số loại như su hào, bắp cải, súp lơ... lần đầu tiên được đưa vào trồng thử nghiệm song đã khẳng định sự thích nghi tốt trên đồng đất pha cát nơi đây.
Súp lơ lần đầu được trồng nhưng đem lại hiệu quả cao
Do sản phẩm mô hình đảm bảo chất lượng nên việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân thuộc dự án gặp rất nhiều thuận lợi. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, có thương lái và bà con trong vùng đến mua bao tiêu ngay tại ruộng. Thu nhập nhờ đó cũng được tăng cao hơn nhiều so với phương thức sản xuất truyền thống trước đây của người dân địa phương. Theo ước tính của các hộ dân, trung bình mỗi ha sẽ đưa về thu nhập từ 200 -250 triệu đồng/năm. Riêng vụ đông 2017 này cũng đã xấp xỉ gần 100 triệu.
Thành công của mô hình sẽ là tiền đề để Trung tâm ứng dụng KHHT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà chuyển giao, nhân rộng ra toàn huyện, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ cho nhu cầu thị trường huyện nhà, thành phố Hà Tĩnh và các vùng lận cận.
Theo Trâm Anh/locha.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn