Những ngày qua, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Thạch Bằng đang tất bất bởi vừa thu hoạch tôm vụ đông, vừa cải tạo ao đầm để chuẩn bị thả giống vụ mới. Vậy nhưng ai cũng vui vì tôm được mùa, được giá, nhất người nuôi được toàn quyền lựa chọn thời điểm bán, thậm chí cả giá bán…
Nếu được chứng kiến cảnh gia đình anh Trần Văn Ân và một số hộ khác tại xã Thạch Bằng thu hoạch tôm vụ đông, dám chắc, ai cũng muốn nuôi tôm. Chỉ trong 2 ngày (14 và 15/3), gia đình anh Ân đã thu bán trên 20 tấn tôm, giá 265.000 đồng/kg, thu lãi ròng trên 3,3 tỷ đồng, chưa tính số tiền bán tôm trước Tết.
Nhìn từng mẻ tôm chắc bóng, đạt 45 – 47 con/kg, nhảy tanh tách từ hồ nuôi lên xe đông lạnh, tôi hiểu rằng, người nuôi tôm đang từng bước làm chủ tiến bộ kỹ thuật để vươn lên làm giàu.
“Được giá như vậy là bởi vào thời điểm này, nguồn cung ít. Hơn nữa, tôm đạt kích cỡ lớn nên khách hàng rất chuộng… Cứ vào dịp trước, trong và sau Tết có tôm bán thì thu tiền sướng lắm…” - anh Ân thổ lộ.
Cùng với thu hoạch tôm vụ đông, thời điểm này, tại các vùng nuôi trên địa bàn huyện Lộc Hà, đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con đang tiến hành tập trung tháo cạn nước để cải tạo ao đầm, chuẩn bị cho công tác thả giống năm 2019.
Anh Trần Đình Khởi (thôn Phong Phú, xã Hộ Độ) dự tính năm nay sẽ thả trên 1,5 triệu con giống trên diện tích 3,4 ha. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng… ao nuôi, vùng nuôi, mương lấy nước đang được tiến hành một cách khẩn trương nhưng rất chu đáo, đảm bảo vụ tôm mới nhiều thắng lợi.
Điểm chung đáng mừng trước vụ tôm năm nay là, phần lớn bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện đều ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường, kiểm soát môi trường nước… và muốn làm ăn lớn, chuyển dần từ quảng canh, bán thâm canh, lên thâm canh, lên nuôi công nghiệp công nghệ mới. Vì thế, phần lớn các hộ nuôi tôm đã có sự đầu tư kỹ càng hơn, như: ao được lót bạt, ngăn nhỏ để dễ kiểm soát, trang bị thêm sục khí…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn, diện tích nuôi tôm năm 2019 của huyện là 133 ha (tôm thẻ 100 ha, tôm sú 33 ha); tập trung tại 6 xã: Thạch Bằng, Thạch Châu, Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Mỹ và Thịnh Lộc. Số lượng giống tôm thả nuôi ước tính 40 triệu con, chủ yếu lấy từ Công ty CP thủy sản Thông thuận, Công ty Thiên Phú, các trại giống Kỳ Anh, Nam Mỹ, Nam miền Trung...
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Võ Tá Bình cho biết: Để đảm bảo vụ tôm thắng lợi, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương, khuyến cáo bà con thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng triệt để khu vực ương, nuôi, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, dụng cụ, nguồn nước cấp; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi thải ra ngoài môi trường.
Đồng thời, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Người nuôi tôm có ý thức cộng đồng trong vùng nuôi, khi có dịch bệnh xẩy ra phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và các hộ nuôi trong vùng. Sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh, chế phẩm vi sinh có trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN&PTNT để phòng trị bệnh...
Theo Trọng Tuệ/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn