Gia đình chị Hồng Minh thôn 7 đang chăm sóc những cây dưa...
ở hữu mảnh đất ven bờ sông Lam nhờ lượng phù sa màu mỡ bồi đắp quanh năm và lượng nước tưới không bao giờ cạn, người dân xã Xuân Hồng sản xuất không ngừng nghỉ. Nhiều năm lại nay hơn 80ha đất chuyên trồng các loại dưa như dưa hấu, dưa hồng, dưa lê đã mang về nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ dân thôn 7, thôn 8 xã Xuân Hồng. “Năm 2018 các loại dưa được mùa lại được giá nên sau khi trừ tất cả các khoản chi phí gia đình cũng thu nhập 150 triệu đồng trên phần diện tích 4 sào. Đây chỉ là mức thu nhập trung bình, bởi nhiều hộ có diện tích lớn lại có điều kiện mua sắm phương tiện máy móc như máy cày, máy bừa nên mỗi năm thu nhập không dưới 400 triệu đồng” chị Nguyễn Thị Hồng Minh thôn 7 xã Xuân Hồng cho hay.
Dù không có mảnh đất màu mỡ như những hộ khác nhưng nhờ đấu thầu được 3 ao nước tại khu vực thôn 8 nên nguồn thu nhập hàng năm của anh Nguyễn Văn Hùng thôn 9 lên đến hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi vịt đẻ; thu mua, ấp trứng vịt lộn và các loại cá nước ngọt (trắm, chép. mè…). Anh Hùng cho biết “ Năm nay giá trứng thấp dưới 2.000 đồng/quả nên ảnh hưởng đến lợi nhuận và thu nhập của trại nuôi vịt gia đình quy mô 3.000 con; lợi nhuận chỉ ước khoảng 100 triệu đồng. Năm 2018 trở về trước thu nhập của vợ chồng không dưới 200 triệu đồng/năm”. Anh Hùng là một trong số 50 hộ gia đình đi tiên phong trong thực hiện chủ trương “đưa vườn nhà ra đồng” do UBND xã Xuân Hồng phát động từ năm 2017. Và đáng mừng là tất cả các mô hình này đều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Xuân Hồng có 1.800 hộ dân, 7.200 nhân khẩu với diện tích 1.800 ha. Mặc dù sở hữu diện tích đất sản xuất khá lớn nhưng đáng nói là những năm gần đây địa phương có bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất. Trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ dưới 50%; còn lại là thương mại dịch vụ và các ngành nghề khác. Hiện xã Xuân Hồng có 5 cơ sở sản xuất gạch không nung và 1 cơ sở sản xuất gạch block, 3 HTX nông nghiệp. Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hồng Nguyễn Hồng Khoan “vai trò của các HTX rất quan trọng, đây chính là những trung tâm chỉ đạo mọi hoạt động trong sản xuất nông nghiệp từ việc lựa chọn giống, phân lịch thời vụ cung cấp phân bón đến điều tiết nước và bảo vệ hoa màu. Cũng nhờ các HTX nên sản lượng lương thực năm 2018 toàn xã đạt trên 3.300 tấn, cao nhất từ trước đến nay”.
Ở Xuân Hồng có nhiều trang trại chăn nuôi hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên
Ngoài việc lựa chọn giống lúa và các loại hoa màu có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây chủ trương của địa phương là phát triển các giống cây chủ lực tại các khu vườn mẫu có diện tích trung bình 500 – 1.000m 2 ; khuyến khích bà con nhân dân mở rộng chăn nuôi tập trung. Ở thời điểm hiện tại xã Xuân Hồng có hàng trăm mô hình vườn nhà có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/vườn; 3 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100- 300 con, trên 200 hộ gia đình có đàn lợn 10-20 con. Năm 2017, thu nhập bình quân người dân tại xã Xuân Hồng mới đạt 37,6 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung ở huyện Nghi Xuân là 32 triệu đồng. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt “ngưỡng” 50 triệu đồng, cao hơn nhiều so với 36,6 triệu đồng mức thu nhập bình quân của người dân huyện Nghi Xuân. Bên cạnh đa dạng hóa ngành nghề, những năm gần đây phong trào đưa vườn nhà ra đồng được nhiều hộ dân thực hiện quyết liệt nhằm tận dụng những lợi thế về ao hồ để phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có trên 50 mô hình nuôi cá, vịt rải đều ở 9 thôn trên địa bàn toàn xã. Trong đó có những mô hình quy mô 8000 – 9.000 con vịt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Điều đáng nói là trong khi ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung vẫn còn một số diện tích đất bỏ hoàng thì ở Xuân Hồng không còn chỗ đất trống và đều được phủ kín bởi các loại cây trồng khác nhau. Từ những thành công gặt hái được trong năm 2018, Xuân Hồng đang đặt mục tiêu phấn đấu 60 triệu đồng/ người/năm 2019.
Theo Hồng Quang/nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn