Một góc trung tâm huyện Nghi Xuân. Ảnh Đậu Hà
Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là một vùng “địa linh nhân kiệt”, đến nay đã trải qua 550 năm hình thành và phát triển, là quê hương của Đại Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa thế giới, Danh nhân văn hoá Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Thánh sư Địa lý Tả Ao…
Quá trình lịch sử, huyện Nghi Xuân có nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau. Theo các Bộ địa chí cổ, Nghi Xuân thuộc vùng đất cổ bộ tộc Việt Thường. Thời Văn Lang - Âu lạc là vùng thuộc bộ Cửu Đức.
Thời kỳ nước ta bị đặt dưới quyền cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, huyện có nhiều tên gọi khác nhau, như: Dương Thành, Dương Toại, Phổ Dương, đến thời nhà Minh đô hộ tên huyện gọi là Nha Nghi sau đó là Nghi Chân. Năm Kỷ Sửu (1469) niên hiệu Quang Thuận thứ 10, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, tên huyện Nghi Xuân cùng địa giới huyện được hoạch định rành mạch từ đó.
Nghi Xuân là quê hương của Đại Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa thế giới
Huyện Nghi Xuân được kết nối từ ba tuyến địa giới tự nhiên: Phía Bắc sông Lam từ Xuân Lam đến Xuân Hội dài khoảng 28 km, bên kia sông là huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An; phía Tây Nam là dãy Hồng Lĩnh; phía Đông giáp biển Đông với 32 km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Lạch Kèn.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 222,5 km2, được phân chia thành 19 đơn vị hành chính cấp xã (17 xã, 2 thị trấn), với 28.521 hộ gia đình và 100.403 nhân khẩu. Nghi Xuân là huyện có tiềm năng trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch gắn với các di sản văn hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Xã Tiên Điền đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2016 (trước thời hạn 2 năm). Tiên Điền cũng là địa phương duy nhất của huyện Nghi Xuân được lựa chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2019. |
Trải qua các thời kỳ lịch sử, huyện Nghi Xuân đều có những đóng góp hết sức quan trọng trong sự phát triển của tỉnh và của cả nước. Những năm gần đây, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Xuân đã đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2018 bình quân đạt 17,95%, riêng năm 2018 đạt 17,56%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm - thủy sản chiếm 18,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,3%.
Đến nay, toàn huyện Nghi Xuân đã xây dựng được 705 mô hình phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá so sánh) tính đến thời điểm hiện tại đạt 5.785 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, gấp 3,07 lần so với năm 2010, tăng 1,42 lần so với năm 2015.
Phát huy những nét riêng mang tính bản sắc, góp phần bảo tồn và làm giàu thêm các giá trị văn hóa
Kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ; hệ thống giao thông được mở rộng, kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Đô thị dần được mở rộng và quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được xếp vào tốp đầu của tỉnh. Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,02%. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mười năm qua, toàn huyện đã huy động được trên 2.789 tỷ đồng, đến cuối năm 2018, Nghi Xuân là huyện đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, trước 2 năm so với kế hoạch.
Có nhiều chuyển biến trong công tác cán bộ nên Nghi Xuân đã khơi dậy sức mạnh đồng thuận trong nhân dân, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội. |
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả nổi bật. Trong 2 năm 2017 - 2018, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp loại “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” và “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Xuân đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2017; UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều cờ thi đua, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và bằng khen. Đặc biệt, huyện đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho những thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Nghi Xuân vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa có nhiều chuyển biến; sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, các mô hình sản xuất, các sản phẩm chủ lực có quy mô lớn trên địa bàn phát triển chậm; thương mại, dịch vụ nhất là du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Nhân dân Nghi Xuân chung sức xây dựng nông thôn mới
Thu hút đầu tư, một số dự án triển khai chậm, chưa bảo đảm tiến độ; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao; tình hình an ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp; đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn nhiều; các vụ việc tồn đọng, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa cao.
Với vị trí địa lý thuận lợi, những kết quả đạt được và đứng trước xu thế của sự phát triển, Đảng bộ và nhân dân Nghi Xuân đã có những định hướng phát triển mới, đó là tập trung xây dựng huyện sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, thành phố phía Bắc của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung một số giải pháp trọng tâm:
Quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch chung dải ven biển và đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng; quy hoạch và đẩy nhanh việc thực hiện chương trình phát triển đô thị gắn với việc xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa để sớm đưa Nghi Xuân trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh.
Nghi Xuân có nhiều mô hình kinh tế áp dụng công nghệ hiện đại, cho thu nhập cao
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất có liên kết; tập trung thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đô thị, du lịch; quan tâm lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt gắn với chế biến thủy, hải sản; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, nhất là nâng cao giá trị hàng hóa của các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đẩy mạnh việc phát triển du lịch, nhất là khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái biển, du lịch trải nghiệm nghỉ dưỡng. Đẩy mạnh việc phát triển văn hóa, khôi phục, phát huy truyền thống quê hương, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng việc xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, công sở văn hóa; nâng cao chất lượng lĩnh vực y tế, giáo dục; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, các chính sách xã hội.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước nhất là các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường, tài chính - ngân sách, xây dựng cơ bản; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, vụ việc phức tạp, tồn đọng. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của nhân dân, Nghi Xuân đã xây dựng
nên nhiều miền quê đáng sống
Thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tốt. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng;
Quan tâm công tác dân vận của hệ thống chính trị, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Trước mắt cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nghi Xuân hiểu sâu sắc, trân trọng, tự hào về quá trình lịch sử lâu đời của quê hương, nhằm tạo thêm động lực tinh thần, khí thế cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái học tập, công tác, lao động, sản xuất, đưa huyện nhà phát triển trên tất cả các mặt, sớm trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Phan Tấn Linh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn