Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Long Lê Đình Thông “thị sát” một vòng qua các cơ sở đóng tàu, chúng tôi chứng kiến ở tất cả các xưởng, không khí lao động đều tất bật, nhộn nhịp. Từ những con tàu công suất trên 350 CV vươn khơi đến những tàu nhỏ phục vụ đánh bắt vùng lộng đều được những người thợ tài ba đóng rất đẹp và chất lượng. Ông Thông cho biết, người dân Thạch Long không chỉ đóng tàu cho ngư dân Hà Tĩnh mà còn cho cả các khách hàng từ Nghệ An, Thanh Hóa.
Nghề đóng tàu ở Thạch Long giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mỗi năm có hàng trăm con tàu lớn nhỏ được “ra lò” từ làng đóng tàu Thạch Long. Nghề này tập trung ở thôn Đông Hà 1 và Đông Hà 2. Từ nhiều năm nay, địa phương đã tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận vốn để mở rộng quy mô. Đến nay, toàn bộ 6 cơ sở trên địa bàn đều đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khoảng trên 2 tỷ đồng. Địa phương cũng hỗ trợ các cơ sở một phần lãi suất trong 2 năm đầu để khuyến khích, động viên.
Ông Phan Trung Vinh - chủ cơ sở đóng tàu tại thôn Đông Hà 1 cho biết: “Đóng tàu là nghề truyền thống của gia đình tôi. Tôi theo nghề này đã 35 năm. Hiện tại, cơ sở có 10 lao động, mỗi năm đóng khoảng 25 chiếc tàu lớn nhỏ. Tàu lớn có chiều dài 17m, rộng 5m, cao 2m; tàu nhỏ thì dài 6m, rộng 1,7m, cao 60 cm. Giá tàu nhỏ chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng tàu lớn có thể lên đến 500 triệu đồng/chiếc. Nghề đóng tàu, ngoài việc chọn gỗ tốt, ván đẹp (thường là gỗ táu và săng lẻ), yêu cầu thợ khéo tay, tỉ mẩn, cẩn thận, người thợ cả phải có kinh nghiệm dày dặn, dùng tầm mắt của mình để điều chỉnh trong quá trình đóng, làm sao cho con tàu cân đối một cách tuyệt đối. Bởi, chỉ cần thiếu cân đối một chút là tàu sẽ gặp nhiều bất cập trong quá trình đánh bắt, nhất là khi chạy tốc độ lớn ngoài khơi, hay khi đối mặt với sóng to, gió cả. Tuy là khó như vậy, nhưng bằng kinh nghiệm đời này sang đời khác, tất cả các cơ sở chúng tôi đều đủ trình độ để cho ra đời những con tàu chuẩn, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng gần xa”.
Cách cơ sở ông Vinh không xa là xưởng tàu của ông Nguyễn Văn Quỳnh (Đông Hà 1) với 8 công nhân đang hì hục hoàn thiện một con tàu lớn 300 CV. Ông Quỳnh cho biết, năm 2017, xưởng đóng 15 tàu, trong đó 4 tàu loại 300 CV, còn lại là các tàu nhỏ hơn. Nhờ đóng uy tín nên hầu như xưởng luôn có khách đặt hàng đều đặn. Nhờ đó, chủ xưởng và công nhân cũng có thu nhập ổn định, tâm huyết với nghề hơn.
Chủ tịch UBND xã Thạch Long Nguyễn Phi Trưng nói rằng: Người dân Thạch Long tay nghề giỏi, nên sản phẩm chất lượng tốt, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Nhiều năm nay, những người theo nghề này có cuộc sống ổn định với thu nhập người lao động hàng tháng từ 7-8 triệu đồng. Đây là nghề bền vững, giải quyết việc làm ổn định cho người dân nên địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các cơ sở phát triển.
Theo Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn