Chiều 13/11, Đoàn giám sát HĐND tỉnh có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh và các sở, ngành liên quan về kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2006 – 2013. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Hoàng Thị Cẩm Tú chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được cả hệ thống chính trị, toàn xã hội quan tâm và đạt những kết quả khả quan. |
Trong giai đoạn 2006 – 2013, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 7.757 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí 14,2 tỷ đồng, 1.103 lao động được vay vốn đi XKLĐ với số tiền gần 34,3 tỷ đồng; 2.613.428 lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 604 tỷ đồng; trên 809 nghìn lượt học sinh được miễn giảm học phí và hỗ trợ mua dụng cụ học tập với kinh phí trên 120 tỷ đồng; 20 nghìn hộ được hỗ trợ gần xây nhà ở với kinh phí gần 262 tỷ đồng; 144.393 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí gần 52 tỷ đồng…
Gần 382 nghìn lượt hộ nghèo và cận nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi với hơn 5.598 tỷ đồng; 2 huyện nghèo Vũ Quang và Hương Khê được đầu tư trên 137 tỷ đồng từ nguồn đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để đầu tư 40 công trình xây dựng cơ bản. Chương trình 135 đầu tư 489 tỷ đồng xây dựng và hoàn hiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã được hưởng lợi; 204 công trình được đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với số vốn trên 247 tỷ đồng theo Quyết định 106 và 539…
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo tình hình thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006 - 2013 |
Ngoài ra, chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, thu hút đông đảo tập thể và cá nhân tham gia. Riêng Quỹ thiện tâm (Vingroup) đã hỗ trợ 7.000 con bê nghé (mỗi con trị giá từ 9 – 11 triệu đồng), hàng năm tặng 7 – 8 nghìn suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách…
Nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững, bình quân hàng năm giảm từ 3 – 4% và đến đầu 2014 giảm xuống còn 13,95%. Người nghèo đã cải thiện được một bước về điều kiện sống, được tiếp cận chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để tăng thu nhập, nâng cao sinh kế, từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng những chính sách nhằm nâng ý thức của các hộ nghèo, địa phương nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình được đầu tư bằng nguồn vốn 135, 106, 30a; nâng cao công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; bàn các biện pháp hạn chế dần hỗ trợ trực tiếp, cụ thể và tăng đầu tư theo hướng cho “cần câu”…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững. Các chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT – XH, giữ vững QP – AN, đảm bảo an sinh xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vì vậy, thời gian tới cần phải tập trung thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững; các cấp, ngành liên quan cần quan tâm thực hiện để đạt kết quả chung cao hơn; rà soát lại hộ nghèo, bình xét đúng thực chất; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, nhất là ở cơ sở…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 – 2013 đã được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, nhiều nội dung đạt kết quả cao, như: làm nhà ở, hỗ trợ nâng cao sinh kế, chăm sóc sức khỏe, lồng ghép các nguồn lực, nâng cao nhận thức cho người dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương hưởng lợi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần nắm chắc tỷ lệ hộ nghèo để thực hiện các chính sách tác động có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa; quan tâm hơn đến công tác lựa chọn danh mục đầu tư, chất lượng công trình… |
Tiến Phúc
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn