Bối rối trước quy định mới Theo khảo sát của phóng viên tại một chợ cóc trong ngõ 405 đường Ngọc Thụy (Long Biên - Hà Nội), việc mua bán thịt tươi sống mấy ngày qua vẫn diễn ra bình thường, không thấy ai thắc mắc xem thịt tươi hay được bảo quản lạnh... Khi chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Bình, một tiểu thương bán thịt lợn về quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, chị tỏ ra rất ngạc nhiên và nói: "Chúng tôi chưa nghe nói gì về quy định này. Hơn nữa, tôi bán thịt lợn ở đây bao năm rồi, có ai tới kiểm tra, thông báo gì đâu. Nếu đúng thế thì sau 8 giờ bán không hết, chẳng lẽ vứt bỏ hết thịt đi à?". Còn chị Vũ Thị Tám, chủ một quầy thịt ở chợ Ngọc Thụy cho biết: "Năm nay kinh tế khó khăn nên sức mua giảm, chúng tôi cứ 2 người phải chung nhau mổ một con lợn thì mới bán hết trong buổi sáng, tuy nhiên, nhiều hôm mưa gió vẫn "ế sưng". Nay Nhà nước lại có quy định như thế thì khác nào làm khó tiểu thương chúng tôi". Tiểu thương Hà Nội lo lắng đã vậy, người buôn bán ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn băn khoăn hơn. Chị Hoàng Thị Dung, một tiểu thương bán thịt lợn ở xóm 4, xã Hồi Ninh (Kim Sơn - Ninh Bình) cho biết: "Quê chúng tôi nghèo, bán hàng dân dã, lấy đâu ra máy lạnh để tích trữ; hơn nữa, khách hàng cũng không thích mua thịt để tủ lạnh". Còn bà Nguyễn Thị Yến, tiểu thương ở chợ Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) thì gay gắt nói: "Không biết Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiểu tình hình kinh doanh của tiểu thương hiện nay hay không?". Bà Yến phân tích, bình thường mỗi ngày bà nhập thịt từ chợ đầu mối Hóc Môn về tới sạp đã mất 2-3 giờ vận chuyển. Sau khi đem về sạp bắt đầu lọc, sơ chế cũng mất một khoảng thời gian, tính ra chỉ còn 5 giờ để bán hết số thịt. "Quy định khó như vậy làm sao chúng tôi áp dụng được", bà Yến bày tỏ. Ngay cả đối với những người nhiệt tình ủng hộ việc áp dụng quy định trên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không tin quy định này sẽ thực hiện được. Chị Vũ Phương Thảo ở Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội) nói: "Mục đích của quy định là tốt cho người tiêu dùng, nhưng người bán cũng muốn bán hàng, ai lại đi nói với khách là mình bán thịt đã để quá 8 giờ sau khi giết mổ? Các cơ quan chức năng sẽ phân công, kiểm tra thịt và phụ phẩm này như thế nào, hay vẫn chỉ là "làm luật", làm cho có mà thôi?". Anh Quốc Huân, người dân phường Ngọc Thụy (Long Biên) nói: Thử hỏi làm thế nào và bằng cách nào để kiểm tra thịt ở chợ nhỏ, nhất là những điểm bán lẻ trong các ngõ hẻm, ven đường? Còn dấu kiểm định, tem thì với công nghệ như hiện nay, làm giả chỉ là chuyện nhỏ, chưa kể việc dấu chỉ đóng 1-5 cái trên một cá thể kiểm dịch, trong quá trình bán hàng, chỗ đóng dấu bị bán rồi thì lấy gì mà kiểm? Quy định cũng tốt, nhưng phải làm sao cho phù hợp với điều kiện xã hội…
Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn
Trao đổi với phóng viên, ông Cấn Xuân Bình, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, quy định này sẽ rất khó thực hiện và phải có thời gian, lộ trình. Hiện, Hà Nội có 1.200 chợ cóc, chợ nhỏ nằm ở rải rác ở các quận, huyện, hàng thịt tươi sống được bày bán khắp thôn, xóm, ngõ ngách, không có cách gì kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, người dân có thói quen chỉ sử dụng thực phẩm tươi nên hầu hết các cửa hàng thịt nhỏ lẻ không có phương tiện bảo quản. Có một thực tế là hiện nay lực lượng cán bộ thú y rất mỏng, không thể kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thì lấy đâu ra người để kiểm tra, xử lý các cửa hàng, quầy bán lẻ vi phạm quy định bán thịt quá 8 giờ sau khi giết mổ? Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc tổ chức thực hiện quy định trên là rất khó, muốn làm được, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đưa ra ngay tiêu chuẩn, để hướng dẫn người dân thực hiện và cần có lộ trình hợp lý. Trước mắt, cần đặt ở mỗi chợ 1 kho hoặc container mát để nếu không bán hết, tiểu thương có thể gửi trong kho. Chợ to thì kho to, chợ nhỏ thì kho nhỏ, hoặc tiểu thương phải tự đầu tư tủ lạnh để bảo quản sản phẩm hàng hóa của mình. Đó cũng là cách để bảo vệ mình và giữ uy tín với người tiêu dùng. "Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc trang bị kho lạnh, thực hiện Thông tư 33 chỉ ở các chợ tại thành phố cấp 2 trở lên, khu công nghiệp. Còn chợ ở vùng khác phải có lộ trình, riêng chợ nông thôn khuyến cáo giết đến đâu, bán tới đấy", ông Vang nói. Anh Phan Mạnh Hùng ở ngõ 129 Trương Định (Hà Nội) khẳng định: "Giải pháp đơn giản nhất để kiểm soát thịt bán trong vòng 8 giờ là khách hàng chỉ mua thịt vào buổi sáng, trước 12 giờ. Còn buổi chiều, nếu cần thì chỉ nên mua thịt được trữ lạnh. Nên làm người tiêu dùng thông minh để kiểm soát người bán hàng và bảo vệ sức khỏe của chính mình".
Nguyễn Minh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn