Một điều tra của Bộ TN&MT cho thấy, có hàng trăm nghìn hecta đất nông nghiệp chuyển thành khu công nghiệp chưa được lấp đầy đang phải bỏ hoang trên cả nước. Và cứ 1 ha đất nông nghiệp mất đi, sẽ có từ 10 -13 người dân nông thôn rơi vào cảnh thất nghiệp. Việc rà soát lại các dự án, quy hoạch treo, để sớm trả lại đất lúa cho người dân là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, muốn thu hồi các dự án treo không hề đơn giản.
Khai hoang lại..khu công nghiệp
Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu lấy hàng trăm hecta đất, và bỏ hoang suốt 9 năm trời. Tiếc đất, những người dân mất đất ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương như ông Bùi Khắc Đờn đang khai hoang lại khu công nghiệp để trồng lạc và nuôi bò.
“Quá lãng phí rồi. Dân thì không có việc làm, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Chúng tôi ở nông thôn, khó khăn quá thì ăn ít đi một chút. Nếu có gì xoay xở được thì cứ làm. Dù là bắt con cua, con cá cho qua ngày.”- Những lo lắng về kiếm kế sinh nhai của ông Đờn cũng là suy nghĩ chung của những người dân ở xã Lai Vu khi không có đất để canh tác.
Người dân xã Lai Vu khai hoang, trồng lạc
Hiện, vẫn có tới hàng trăm nghìn hecta đất nông nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp bị bỏ hoang trên cả nước. Theo tính toán, cứ 1ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang sẽ có từ 10 -13 người dân nông thôn rơi vào cảnh thất nghiệp. Các dự án treo, quy hoạch treo đang gây ra nhiều hệ lụy xấu về mặt kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc xóa bỏ các quy hoạch treo, dự án treo còn chậm chễ.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Nhiều địa phương còn chưa thực hiện đúng pháp luật trong việc xử lý quy hoạch treo. Phản ứng của nhiều nơi còn chậm. Đặc biệt là có nơi, quanh câu chuyện nhà đầu tư nhận hay không nhận đất vẫn kéo dài dăm ba năm. Và người dân cứ phải đứng nhìn đất của mình bỏ hoang.”
Rà soát quy hoạch, trả lại đất cho dân
Cũng theo Giáo sư Võ, thì việc xóa bỏ quy hoạch treo còn dễ hơn việc xử lý các dự án treo. Bởi lẽ, cơ chế xử lý các dự án treo hiện nay vẫn là Nhà nước sẽ thu hồi lại đất treo, và phải trả lại tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra. Nhưng điều này lại không phù hợp với Luật ngân sách : “Trả lại mà lấy tiền ngân sách thì cực kỳ khó khăn, và không thể nào có chuyện thu tiền ngân sách rồi lại chi được. Hiện nay, Luật quản lý ngân sách chưa cho phép các việc làm dưới dạng như vậy. Trong luật mới chúng ta có thể điều chỉnh như cơ chế thuế suất cao. Hoặc là quy định nếu không sử dụng đất thì tiền thuê đất tăng lên. Khi đó doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm nhà đầu tư khác để chuyện nhượng, mà chính quyền không cần can thiệp. ”
Ở các địa phương, chủ dự án treo thường giữ đất bằng việc xây tường bao, và hiện nay cơ chế để đập bỏ các bức tường này chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc các địa phương có thể làm lúc này là rà roát lại quy hoạch – và trả lại đất lúa cho người dân.
Trước những bức xúc về việc đất nông nghiệp bị bỏ hoang, mới đây hai tỉnh Tây Ninh, và Long An đã tiến hành rà soát quy hoạch treo và trả lại hơn 3.000 ha đất cho người dân. Đây có thể coi là một trong các giải pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng lãng phí đất bỏ hoang. Đồng thời, là cơ hội để các địa phương bắt tay vào việc rà soát hiệu quả của các dự án sử dụng đất nông nghiệp.
Thực hiện: Thế Toàn
Ảnh: Thanh Tuấn
Nguồn:vtc16.vn