Việc yêu cầu EVN tăng giá mua điện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thủy điện nhỏ.
Theo Chỉ thị số 13 của Bộ Công thương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa ban hành mới đây, Bộ Công thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đề xuất và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện nhỏ thông qua việc điều chỉnh tăng giá mua điện của EVN.
Phía Cục Điều tiết và EVN sẽ phải thống nhất tính toán để thanh toán tiền cho sản lượng điện đã phát lên lưới điện quốc gia trước khi hợp đồng mua bán điện được ký của Nhà máy DAP Đình Vũ và Nhà máy Đạm than Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Bộ Công thương yêu cầu đơn vị này xem xét nâng giá mua điện cho 3 đơn vị thuộc Vinachem cùng hai nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phát điện bán cho EVN.
Theo phản ánh của Vinachem, giá mua bán điện do EVN đưa ra cho cả 3 đơn vị thuộc Tập đoàn này đang là 590đ/kwh, chỉ bằng 33% giá thành sản xuất.
Trước đó, từ 1/7, Bộ đã đồng ý cho EVN tăng giá mua điện 5% so với năm 2011 đối với hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW trong bối cảnh giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ và một số nhà máy điện chạy than gặp khó khăn về chi phí đầu vào vì biến động lãi suất và tỷ giá.
Hiện tại, theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), trong cơ cấu nguồn điện các đơn vị, EVN đóng góp tỉ trọng 55%, Vinacomin đóng góp 5%.
Cũng tại Chỉ thị này, Bộ Công thương giao Vụ Tài chính khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiến hành đánh giá lại tài sản của EVN tại công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc, làm thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Bích Diệp
Theo Dân Trí