Ông Lý Văn Thịnh - Phó Giám đốc TTKN tỉnh Bắc Giang cho biết, mô hình nuôi cá xen canh trong ruộng lúa được triển khai tại Bắc Giang từ năm 2012 với sự giúp đỡ của Trung tâm KNQG. Trong 2 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 40 mô hình canh tác lúa cá xen canh tại một số xã trong tỉnh và đã rất thành công. Quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông tỉnh đã đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật để triển khai mô hình. Điều kiện thực hiện mô hình là người nông dân cần có diện tích đất lúa từ 2ha trở lên và có nguồn nước tương đối thuận lợi để đảm bảo đủ nước cho cá sinh trưởng. Với điều kiện như vậy thì phát triển mô hình Bắc Giang hoàn toàn có thể đáp ứng được vì công tác dồn điền đổi thửa của tỉnh đã cơ bản hoàn thành.
Thực địa mô hình canh tác lúa xen cá tại gia đình anh Trần Văn Đông, xóm Đồng Than, xã Dương Đức, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). |
Nông dân Trần Văn Đông, xóm Đồng Than, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, gia đình anh có 3ha chuyên lúa nhờ dồn điển đổi thửa và nhận khoán. Áp dụng mô hình, anh đào 1.200m2 ao để thả 2 loại cá là chép lai và rô phi theo quy trình. Theo thời gian sinh trưởng của cây lúa, anh dâng nước thả cá vào ruộng sinh sống tìm kiếm thức ăn. Như vậy, cá được tìm kiếm thức ăn tự nhiên trong ruộng, không phải chi phí thức ăn, vừa hạn chế sâu bệnh và không cho cỏ phát triển. Đặc biệt, ốc bươu vàng hoàn toàn bị tiêu diệt nhờ cá rô phi ăn trứng. Từ khi áp dụng, nhờ hoạt động của cá trong ruộng lúa, anh đã không phải sử dụng phun thuốc BVTV và thuốc diệt cỏ. Mô hình được áp dụng trong năm 2012 đã làm tăng thu nhập 33 triệu đồng/năm.
Ông Cao Văn Toàn, thôn Xuân An, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, ông được hỗ trợ thực hiện mô hình lúa cá năm 2012 trên diện tích 6ha ruộng trũng. Ông nhận thấy chất lượng cá trong ruộng khác hẳn với cá nuôi công nghiệp. Gia đình ông đã hoàn toàn ổn định kinh tế từ mô hình này. Hiện nay, trên những cánh đồng của xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nhiều gia đình đã nhân rộng mô hình lúa cá với quy mô lớn và giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Thực tế, chi phí thực hiện mô hình này thấp và dễ thực hiện. Đối với cá có thể canh tác trên 1 hoặc 2 vụ lúa tùy theo thời vụ thu hoạch.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG khẳng định, lúa cá xen canh là mô hình canh tác sinh thái bền vững, thay đổi hoàn toàn hướng canh tác lúa truyền thống của người nông dân, phát huy lợi thế của những chân ruộng trũng thường xuyên bị ngập nước. Khi thả cá vào ruộng, con cá sẽ sinh sống trong ruộng lúa và thực hiện nhiệm vụ làm cỏ sục bùn tăng cường dưỡng chất cho bùn để có thể triển khai rộng tại nhiều địa phương cả nước.
Mô hình sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, đa dạng nhờ việc không sử dụng thuốc BVTV và hóa chất như canh tác lúa truyền thống. Ngoài việc tăng thu nhập cho người nông dân, mô hình còn cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch hoàn toàn. Trung tâm KNQG khuyến cáo bà con nông dân có điều kiện nghiên cứu để áp dụng mô hình lúa cá xen canh nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường.
Tài Dũng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn