Ông có thể cho biết Cuộc vận động xây dựng NTM của huyện đang diễn ra như thế nào?
- Hiện nay, khắp nơi trên địa bàn Cẩm Xuyên, cán bộ cũng như nhân dân đang tích cực và cố gắng hết mình thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM gắn với "xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Vì vậy, khi đến đây mọi người sẽ cảm thấy đất Cẩm Xuyên như đang dần đổi thay từng ngày, không chỉ phát triển về kinh tế, về nông nghiệp – nông thôn mà cả đời sống văn hóa cũng có những nét mới.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện đã tiến hành phân công các tổ chức, các hội đỡ đầu 6 xã thí điểm xây dựng NTM, đồng thời vận động nhân dân xây dựng các khu văn hóa theo chuẩn NTM. Ngoài trách nhiệm đỡ đầu các xã, các tổ chức phải giám sát, giúp đỡ một khu dân cư xây dựng NTM. Nhờ vậy hiện nay đã có 25/25 đơn vị đã quy hoạch xong và thực hiện đúng quy hoạch xây dựng NTM đã được phê duyệt. Đáng chú ý là xã Cẩm Thành (xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM) hiện nay đã đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu năm sau sẽ là xã đạt chuẩn quốc gia về NTM. Ngoài ra, xã Cẩm Bình (xã điểm của huyện) cũng đang trên đà gặt hái những thành tích khả quan về chủ trương quan trọng này. Nhìn chung, trong địa bàn huyện đã có 2 xã đạt từ 13 đến 19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, 11 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, trong công cuộc xây dựng NTM rất nhiều địa phương đang gặp phải những khó khăn trong vấn đề hoàn thiện các tiêu chí như xây dựng chợ, xây dựng nhà văn hóa, vốn đầu tư... Cẩm Xuyên có nằm ngoài những khó khăn này?
- Cẩm Xuyên cũng có rất nhiều khó khăn đang phải đối mặt. Nhưng khó khăn nhất đó là tiêu chí về xây dựng cơ cấu lao động. Không chỉ riêng huyện Cẩm Xuyên mà tất cả các huyện trong tỉnh Hà Tĩnh đều phải tập trung thực hiện tốt tiêu chí này. Các doanh nghiệp, tổ hợp, HTX trong huyện khá ít nên phân công lao động, giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc đào tạo lao động, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn rất phức tạp, năng lực của họ không hợp với xu thế. Muốn xây dựng HTX có chất lượng, có thu nhập cao thì cần phải có lao động có tay nghề trong khi nông dân thì ngoài sản xuất nông nghiệp họ không biết nghề gì nữa, vì vậy "cung” phải đáp ứng với "cầu” thì mới có thể thực hiện tốt tiêu chí này được.
Vậy, huyện đã có những chính sách hỗ trợ nào cho các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện cuộc vận động được tốt hơn, thưa ông?
- Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách tích cực, hiệu quả nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng kết quả kinh doanh sản xuất để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Nhất là hỗ trợ thành lập HTX, cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển thủy sản. Đặc biệt, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến gạo có thương hiệu doanh thu đạt 400 triệu đồng/năm sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng; hỗ trợ cá nhân mua máy gặt đập liên hoàn 10 triệu đồng/máy; tổ hợp HTX chăn nuôi lợn có tổng đàn đạt 1000 con lợn thịt/1 lứa xuất chuồng sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng/vùng… Nói chung, huyện đã đề ra khá nhiều chính sách có lợi rất lớn để phát triển các HTX, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện. Đó là việc làm thiết thực để xây dựng cơ cấu kinh tế bền vững.
Được biết một trong những tiền đề để thực hiện được công cuộc xây dựng NTM chính là việc huy động nguồn lực trong dân. Vậy, việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM của huyện đã đạt được những kết quả như thế nào thưa ông?
- Nếu nói về huy động nguồn lực thì đó thực sự là một phong trào nổi bật ở Cẩm Xuyên. MTTQ huyện đã kết hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp tuyên truyền vận động đóng góp mọi nguồn lực để thực hiện tốt cuộc vận động và người dân đã hưởng ứng nhiệt tình, tạo được một phong trào rầm rộ chưa từng có từ trước tới nay về huy động nguồn lực. Nhân dân đã tự nguyện hiến đất, hiến công, công trình, cây cối, tiền bạc để mở mang hành lang giao thông, xây dựng đường bê tông, kênh mương nội đồng…cụ thể: nhân dân đã hiến 320869m2 đất; 19.551 ngày công; nguồn đóng góp của nhân dân đang sinh sống trên địa bàn huyện là 1.19 tỷ đồng, huy động nguồn lồng ghép giữa các tổ chức, doanh nghiệp là 11 tỷ đồng…tổng nguồn tiền huy động được là 24.374 triệu đồng cộng với ngân sách các xã là 46.308 triệu đồng.
Đó thực sự là một kết quả đáng khích lệ đối với một huyện còn đang khó khăn như Cẩm Xuyên. Để có được kết quả như vậy, MTTQ đã đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch này. Vậy những bài học nào được rút ra, thưa ông?
- Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để thực hiện tốt các phong trào, trong đó có bốn bài học tâm đắc nhất: Thứ nhất, nắm bắt đúng tâm lý của người dân để khơi dậy ý thức tập thể và huy động nguồn lực vốn rất lớn từ nhân dân, làm thế nào để cho dân hiểu tất cả những công trình, những chính sách này đều là của dân và vì dân. Thứ hai, muốn cuộc vận động đạt hiệu quả nhanh, mạnh thì buộc phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở. Thứ ba, năng lực và tâm huyết của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, đó là hành trang, động lực để cán bộ làm tốt vai trò của mình. Thứ tư, phải đảm bảo được dân chủ thực sự trong mọi hoạt động, mọi phong trào. Tất cả những điều đó đều được chúng tôi vận dụng hài hòa, sáng tạo, chính vì vậy mà Cẩm Xuyên đã và đang "vùng lên” mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: daidoanket.vn