Đến nay, toàn xã Nam Xuân đã triển khai cho bà con xây dựng 140 hố rác ngoài đồng, 100 hố rác tại gia (tập trung nhiều tại xóm 7, xóm 10 ), đặc biệt bãi rác tập trung hoàn thiện và đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải lượng rác thải, bảo vệ môi trường sản xuất và khu dân cư.
Về Nam Xuân, đi dọc theo tuyến giao thông nội đồng xóm 6 chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều hố rác nằm phân bố đều trên các cánh đồng. Các hố rác có cấu tạo như các ống cống bằng xi măng, cao khoảng 1,5m, đường kính rộng. Bà Lê Thị Nga, nông dân xóm 6 đang thăm đồng để theo dõi tình hình sâu bệnh phá hoại trên lúa xuân, vui vẻ: năm nay có cống rác trên đồng rồi nên tất cả rác thải hóa chất, bả chuột, bao bì phân đạm chúng tôi đều bỏ gọn vào đó, không vứt bừa bãi, lộn xộn như trước. Khắp 12 xóm đều được bố trí hố rác theo kiểu này, mỗi cánh đồng bố trí 1 hố nằm tại các vị trí trung tâm điểm pha chế hóa chất phục vụ cho quá trình chăm sóc lúa. Với cách làm này, bà con nông dân Nam Xuân nâng cao ý thức từng cá nhân trong việc tự mình thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải bao nilon, hóa chất, BVTV... góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực sản xuất nông nghiệp.
Ban Nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: nhiều năm qua, vấn đề rác thải nông thôn trên địa bàn luôn trở thành vấn đề nóng. Do chưa được quy hoạch cụ thể các điểm, hố, bãi rác tập trung nên người dân tiện đâu vứt đó. Ý thức của nhiều bộ phận bà con trong vấn đề xử lý rác thải còn đùn đẩy, phó mặc, nhiều người vứt bừa bãi túi bao nilon hóa chất, bao lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng rất độc hại, nguy hiểm. Ông Nguyễn Hữu Thuận - Trưởng ban nông nghiệp xã Nam Xuân, cho biết: để triển khai đề án vệ sinh môi trường gắn quy hoạch nông thôn mới, năm 2012, xã đã tập trung vào việc xây dựng hố rác tại gia, hố rác tập trung. Đối với hố rác ngoài đồng, xã hỗ trợ trên 200 nghìn đồng/hố, bà con đóng góp 18 nghìn đồng/khẩu/năm, tương đương 1.500 đồng/tháng.
Nông dân xóm 6 Nam Xuân (Nam Đàn) thu dọn bao nilon đựng hóa chất trên đồng
bỏ vào hố rác.
Hố rác tại gia được thiết kế theo 2 ngăn, một ngăn để chất thải rắn, một bên để các chất thải dễ đốt sau thu gom từ trong sinh hoạt gia đình. Để góp phần vận chuyển lượng rác thải khó đốt trong sinh hoạt và rác thải hóa chất ngoài đồng, xã quy hoạch bãi rác tập trung quy mô 3 sào tại xứ đồng Lùm Băng (vùng trước đây quy hoạch lò gạch thủ công), kinh phí 134 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 40 triệu, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và dân đóng góp. Hàng năm, xã trích kinh phí 15% từ nguồn thu đóng góp xây hố rác của các hộ trong xã để hỗ trợ lại các xóm trong công tác tổng dọn vệ sinh rác thải về bãi tập trung (mỗi năm thu dọn 1-2 lần). Dịp tổng dọn vệ sinh chung có thể lồng ghép vào đợt ra quân đầu năm hoặc dịp toàn dân ra quân làm thủy lợi 16/10 hàng năm.
Đến nay, toàn xã Nam Xuân đã xây dựng 140 hố rác ngoài đồng, 100 hố rác tại gia (tập trung nhiều tại xóm 7, xóm 10 ), đặc biệt bãi rác tập trung hoàn thiện và đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải lượng rác thải, bảo vệ môi trường sản xuất và khu dân cư. Đây là mô hình hay mà các địa phương cần nghiên cứu, học tập.
Theo baonghean.vn