Hệ thống đào tạo nghề của Na Uy khá toàn diện và ít khiếm khuyết khi kết hợp quá trình đào tạo nghề với chương trình giáo dục phổ thông. Sự kết hợp hài hòa và khoa học này đã tạo cơ hội cho những người thợ có điều kiện học lên bậc cao hơn để nâng cao tay nghề. Đây quả thực là mô hình đào tạo nghề rất thiết thực và thành công, đáng để các trung tâm dạy nghề cũng như các doanh nghiệp Việt Nam học tập theo.
Để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 26% vào năm 2010 lên 50% vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp Na Uy.
Na Uy được xem là quốc gia sở hữu nhiều mô hình dạy nghề tiên tiến trên thế giới, lại giàu kinh nghiệm trong việc quản lý hệ thống dạy nghề, chính vì vậy trong nhiều năm qua chất lượng đào tạo nghề tại quốc gia này liên tục tăng cao, đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, nguồn nhân lực của Na Uy đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 75% GDP. Nhận thức được tầm qua trọng của công tác đào tạo nghề cũng như vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế, từ những năm 1994 cho đến nay, Chính phủ Na Uy liên tục có những cải cách về giáo dục – đào tạo, có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia này. Trong công tác đào tạo và dạy nghề, mối quan hệ các bên (doanh nghiệp, người lao động và nhà trường) được Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp với mức 12.000 Euro cho 2 năm học thực tập ở doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp hỗ trợ ở mức 40% lương cơ bản ở năm đầu và 60% ở năm thứ hai.
Tại Hội thảo “Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề tại Việt Nam thông qua hợp tác công tư” vừa diễn ra tại Tp.Hồ Chí Minh, ông Kurt Nilsen - chuyên gia cao cấp của Liên bang các Doanh nghiệp Na Uy đã chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam mô hình đào tạo và dạy nghề ưu việt tại Na Uy. Ông cho biết, hệ thống giáo dục - dạy nghề của Na Uy đang sử dụng mô hình 2+2, tức là 2 năm học ở trường và 2 năm học thực tế tại nhà máy hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên theo hướng linh hoạt hơn, việc thực tập không nhất thiết phải là 2 năm cuối cùng mà do doanh nghiệp và nhà trường lập kế hoạch đan xen trong quá trình 4 năm học. Ngoài ra, dựa trên mô hình chung này, các tổ chức đào tạo nghề Na Uy đã thiết lập và xây dựng thêm nhiều mô hình biến thể linh hoạt và uyển chuyển như “mô hình 1+ 3” (1 năm học tại trường và 3 năm học nghề), “mô hình 0+ 4” (cả 4 năm đều học nghề); qua đó mang lại hiệu quả cao trong công tác đạo tạo và dạy nghề tại quốc gia này.
Ở Na Uy, những người lựa chọn con đường học nghề sẽ kí hợp đồng với một công ty mà công ty này phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp đào tạo. Trong khoảng thời gian 2 năm thực hành về một ngành nghề cụ thể của học viên, doanh nghiệp cần phải bảo đảm nguyên tắc: ngay từ năm 1 sẽ cử các công nhân lành nghề hướng dẫn về kĩ thuật cho học viên; từ năm thứ 2 sẽ giảm bớt hướng dẫn, tăng việc tự học. Học viên sẽ được hưởng lương học việc trong cả 2 năm học. Sau khi kết thúc học việc, học viên sẽ được trao chứng chỉ công nhận hoàn thành khóa học và có thể bắt đầu tìm việc làm để nuôi sống bản thân. Theo thống kê, hiện có gần 90% thanh niên Na Uy vào học trường nghề (trường trung học –Secondary School) khi bước qua 15 - 16 tuổi. Sau khi học nghề xong, học sinh có thể tiếp tục học đại học (với việc học bổ sung một số môn khoa học chung như toán, vật lý, địa lý . . .). Hiện nay, ở Na Uy vẫn có tình trạng học sinh bỏ học để đi làm vì dễ tìm việc làm, tuy nhiên Chính phủ chỉ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho thanh niên trong vòng 5 năm trở lại, nếu quá 5 năm thì không được hỗ trợ kinh phí. Cách làm này đã khuyến khích thanh niên trở lại trường đào tạo và tạo ra nhiều lao động có tay nghề cao cho xã hội.
Điều cốt lõi ở đây là hầu hết các cơ sở dạy nghề ở Na Uy đều có được sự liên kết chặt chẽ đối với các đối tượng liên quan, đặc biệt là có sự hợp tác ba bên chặt chẽ của Tổ chức giới chủ, Công đoàn và đại diện cơ quan giáo dục từ cấp quốc gia, đến cấp tỉnh và địa phương. Về nội dung chương trình đào tạo nghề sẽ do các tổ chức 3 bên cấp quốc gia có nhiệm vụ xây dựng giáo trình dạy nghề và tổ chức đào tạo nghề. Nội dung đào tạo được soạn thảo dựa trên nguyên tắc “xây dựng kiến thức cơ bản về đọc, viết, làm toán, khoa học, ngoại ngữ và các kĩ năng thực tiễn”. Hầu hết các nội dung của chương trình đào tạo nghề đều dựa trên triết lý của Cựu Thủ tướng Na Uy – Gro Harlem Brundtland: “Mục tiêu chung của tất cả hệ thống giáo dục đào tạo nghề là phải cung cấp được kiến thức đồng bộ giữa lý thuyết và thực hành để người học có thể ứng dụng những kinh nghiệm thực tế vào cuộc sống”. Với hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề cao cùng nhiều tính năng ưu việt, mô hình đào tạo nghề của Na Uy rất được các đối tác, các doanh nghiệp ủng hộ và tin cậy. Thêm vào đó, trong tình hình “khát” lao động như hiện nay, các chủ doanh nghiệp ở quốc gia này rất quan tâm đến việc thực tập sinh và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các học viên hoàn thành khóa học của mình.
Nếu mô hình đào tạo và dạy nghề của Na Uy được nhân rộng tại Việt Nam, chắc chắn con đường học nghề sẽ thu hút nhiều học sinh, thanh niên hơn; theo đó chất lượng đào tạo và dạy nghề tại Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo vccinews.vn