Cuộc sống người dân khấm khá hơn nhờ mô hình nuôi cá nước ngọt. |
Trong lúc người dân đang loay hoay tìm kế thoát nghèo, một tín hiệu vui xuất hiện. Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã mở nhiều lớp tập huấn, định hướng con đường làm ăn cho bà con. Đồng thời, các hộ dân trong thôn được tạo điều kiện để vay vốn phát triển kinh tế. Qua đó, người dân thôn Văn Trị bắt đầu nhận ra, để làm giàu thì nhất quyết phải tận dụng thế mạnh sẵn có của địa phương, đó là sông, diện tích ao, hồ lớn. Từ đó, các mô hình nuôi cá nước ngọt bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là mô hình nuôi cá chình lồng.
Ở thôn Văn Trị, người tiên phong với nghề nuôi cá chình lồng là cựu chiến binh Lê Văn Đằng. Trở về quê hương sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia, cuộc sống gia đình ông quanh năm nổi nênh, vất vả trên sông nước. Thời điểm trận lụt năm 1995 xảy ra, người cựu chiến binh này bắt được hàng chục cá chình con. Từng nghe thông tin thịt cá chình thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt còn là một vị thuốc, tâm trí ông Đằng lóe lên suy nghĩ: "Sao không đóng lồng nuôi thử nghiệm?".
Nghĩ là làm, buổi đầu, ông Lê Văn Đằng đóng một chiếc lồng bằng các thanh nhôm, đục lỗ nhỏ, rồi bỏ cá chình con vào để nuôi trên sông Ô Giang. Cá chình vốn sinh sản ở nước mặn nhưng lại hay ngược con nước lớn để bơi về sông, lạch, khe suối trên núi sinh sống. Vì vậy, người nuôi phải nắm được đặc điểm này mới có thể chọn được vị trí đặt lồng thích hợp, tạo môi trường sống tự nhiên tốt nhất cho cá.
Gắn bó với nghề chài lưới, đối với gia đình ông Đằng, cái lợi nhất khi xây dựng mô hình này là tận dụng được số cá mụn, tôm... để làm thức ăn cho cá chình. "Hai năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ nông dân, tôi mạnh dạn đóng hai lồng nhôm nuôi 400 con cá chình. Thời gian nuôi cá chình thông thường là hai năm. Tuy nhiên, tùy theo lượng thức ăn và sự chăm sóc mà cá có thể được xuất bán thường xuyên hơn. Hiện tại, 1kg cá chình có giá 500 ngàn đồng. Tính ra, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần một trăm triệu đồng" - Ông Đằng hồ hởi chia sẻ.
Ngay cạnh nhà ông Đằng, gia đình anh Phạm Văn Thiện cũng nuôi gần 500 con cá chình. Nói về "cái duyên" với nghề, anh Thiện cười hiền từ bảo: "Sau khi tham gia lớp học nuôi cá chình lồng, tôi được tạo điều kiện vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân để đầu tư xây dựng mô hình. Hôm qua, gia đình tôi vừa bán lứa cá đầu tiên thu về hơn 60 triệu đồng. Thật bõ công vợ chồng tôi trông mong nhiều năm nay".
Vốn gắn bó với sông nước, anh Thiện nhận ra điểm "ưu việt" của nghề nuôi cá chình lồng là không phải quá lo lắng đến "chuyện ông trời". Thông thường, lồng nuôi cá được neo vào giàn gỗ bằng những sợi dây thừng lớn. Vào mùa nắng nóng, lồng được treo cố định. Khi mưa lũ kéo về, bà con có thể di chuyển lồng một cách dễ dàng vào gần bờ để tránh lũ. Anh Thiện vui vẻ cho biết: "Trong cơn lũ vừa rồi, nhờ làm lồng chắc chắn và được di chuyển vào gần bờ nên gia đình tôi không bị thiệt hại gì".
Hiện tại, thôn Văn Trị là một trong những địa phương có số lượng lồng cá chình nhiều nhất trên toàn tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá nước ngọt khác cũng rất phát triển ở đây. Qua lời giới thiệu của Hội Nông dân xã Hải Tân, chúng tôi đến thăm trại cá của anh Lê Văn Vách. Quy mô của trại bao gồm 11 lồng cá trắm với gần 2.000 cá giống. Ngay khi bắt tay lập nghiệp, anh Vách đã lặn lội đi tìm khúc sông vừa ý để đặt lồng.
Người nông dân trẻ giải thích, cần chọn nơi phù sa bồi đắp, cỏ non mọc nhiều để cá có được nguồn thức ăn tại chỗ phong phú. Nếu đặt lồng cá ở chỗ eo của dòng sông thì sẽ ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Anh cho biết thêm: "Kinh nghiệm này tôi học từ những người đi trước. Làm nghề nuôi cá lồng phải nắm được thiên thời, địa lợi thì mới khá lên được". Cũng như anh Vách, các hộ dân sống tại thôn Văn Trị không bao giờ có tư tưởng "giấu nghề". Họ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau về con giống, vốn liếng... để cùng phát triển.
Nói về tín hiệu vui từ mô hình nuôi cá lồng ở thôn Văn Trị, ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Tân cho biết: "Nhận thấy môi trường ở đây thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con nuôi thử nghiệm. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ giống, nguồn vốn, tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật... để nâng cao hiệu quả của mô hình. Nếu năm 2005, nguồn vốn hỗ trợ nông dân khoảng 100 triệu đồng thì nay, con số đó đã tăng lên gấp ba".
Với phương châm "Cho cần câu hơn xâu cá", thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã "tiếp sức" hiệu quả để góp phần giúp cuộc sống người dân thôn Văn Trị trở nên khấm khá. Thiết nghĩ, ở nhiều thôn bản trên địa bàn tỉnh, bà con cũng rất cần sự định hướng phát triển kinh tế, tập huấn chuyển giao khoa học - kĩ thuật, hỗ trợ con giống, nguồn vốn như vậy để những miền quê nghèo ngày một khởi sắc...
Tây Long
Nguồn:bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn