Ông Trần Văn Tuấn, ấp Giồng Lớn B, xã Định An nuôi cá lóc trên 3.000 m2 mặt nước cho biết: Nuôi cá lóc không khó lắm, chỉ cần thạo các quy trình, kỹ thuật của kỹ sư hướng dẫn, cộng với kinh nghiệm thực tế sẽ thành công. Đặc biệt, nuôi cá lóc trong vùng nước lợ cá ít bị bệnh so với các nơi khác. Điều mà người nuôi cá lo ngại nhất là bệnh bông gòn do ảnh hưởng của thời tiết, bệnh giun đường ruột do ảnh hưởng môi trường và tật gù lưng cá.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi và cán bộ phụ trách thủy sản của huyện Trà Cú: Cá lóc bị gù lưng là do thức ăn công nghiệp vì thức ăn làm cho cá lớn rất nhanh, nếu thức ăn nào mất cân đối các khoáng chất nhất là canxi là cá có thể bị gù lưng với tỷ lệ cao. Đây là vấn đề người nuôi cá rất sợ vì làm cho giá rất thấp. Nếu cá có tỷ lệ dưới 10% thì mới có lãi, nếu trên 10% thì có thể sẽ lỗ vốn. Cá bị gù lưng sẽ giảm giá hơn so với bán không gù lưng 10.000 đồng/kg.
Thế nhưng từ khi có nguồn thức ăn công nghiệp do Cty Cổ phần Ewos Việt Nam cung cấp đã giúp tỷ lệ cá bị tật gù lưng giảm xuống dưới 1%/tổng sản lượng. Thức ăn bình quân 1,1 - 1,2 hệ số sẽ giúp người nuôi thu được 1 kg cá lóc thương phẩm. Bình quân 1.000 m2 thả nuôi 40.000 con cá giống, sau 4 - 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng từ 400 - 500 gram/con, năng suất bình quân khoảng 140 - 150 tấn/ha. Giá thành khoảng 28.000 đồng/kg.
Với giá cá lóc bán ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 8.000 -10.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/vụ, tùy theo khả năng đầu tư và kỹ thuật của người nuôi.
Ông Trương Văn Nhà, ấp Giồng Giữa, xã Định An nuôi 1.600 m2 mặt nước tính toán: Bình quân, 1 vụ thả nuôi khoảng 69.000 con cá giống, sau hơn 4 tháng thu 812 triệu đồng, trừ chi phí 599 triệu đồng, thu lãi 213 triệu đồng/vụ. Nuôi cá lóc nặng nhất là tiền đầu tư thức ăn. Bình quân 1.000 m2 sau 4 tháng phải tốn khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi cá lóc được Cty, đại lý thức ăn bán ghi nợ nhờ vậy mới có điều kiện phát triển.
Theo khuyến cáo của Phòng NN-PTNT huyện, trong quá trình nuôi bà con phải thường xuyên phòng bệnh cho cá, tạo môi trường nước sạch, định kỳ diệt khuẩn nước 15 ngày/lần. Sử dụng thuốc để xử lý đáy ao 20 ngày/lần, sau đó giảm dần 15 ngày/lần, 10 ngày/lần, 7 ngày/lần cho đến khi thu hoạch. Lúc cá nhỏ cho ăn 4 lần/ngày, sau đó giảm lại còn 2 lần/ngày cho đến khi thu hoạch. Sau gần 5 tháng, trọng lượng cá đạt khoảng 500 gram/con là thu hoạch. Kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi, thức ăn tốt là một trong các yếu tố quyết định cá không bị tật gù lưng. |
Ông Nguyễn Hữu Nhịn, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: Phong trào nuôi cá lóc theo hình thức thâm canh đang phát triển mạnh, đã hình thành được quy trình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có khoảng 600 hộ dân thả nuôi trên diện tích 100 ha, tập trung ở các xã Định An, Đại An, Đôn Xuân, sản lượng khoảng 6.000 tấn cá thương phẩm/năm.
Đạt được hiệu quả cao là nhờ bà con đã thay đổi tập quán từ việc cho cá lóc ăn thức ăn cá biển sang thức ăn công nghiệp. Người nuôi cá lóc ở huyện Trà Cú còn thành thạo kỹ thuật nên nuôi 1 năm 2 vụ. Vụ thuận thả giống vào tháng 4 thu hoạch vào tháng 10. Vụ nghịch thường rơi vào mùa khô, mùa xâm nhập mặn.
Vào mùa khô, nước mặn bao vây thì bà con bơm nước ngọt từ các giếng khoan pha vào ao nuôi. Ao nuôi cá chỉ cần độ sâu khoảng 2 m, mật độ thả 20 - 70 con/m2, nhưng thông thường bà con thả khoảng 30 con/m2. Giống cá lóc đang được nông dân chọn nuôi nhiều nhất là giống đầu nhím vì nó mau lớn.
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn