Tôm - lúa, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu | |||
Từ sự tình cờ Mô hình kết hợp tôm – lúa được nông dân Cà Mau, Bạc Liêu,… phát hiện rất tình cờ, khi thu hoạch lúa họ thấy trong ruộng có nhiều tôm, tép. Vậy là ý tưởng kết hợp tôm – lúa nảy sinh và ngay lập tức phát huy hiệu quả nhờ sự bổ trợ, tương tác cho nhau của hai đối tượng này. Tôm nuôi trong ruộng lúa tăng trọng nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào, sạch bệnh, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu. Cây lúa trồng sau vụ nuôi tôm cũng rất tốt bởi đồng đất được bổ sung độ phì nhiêu, sản phẩm lúa cũng an toàn vì không sử dụng thuốc trừ sâu trong chu kỳ gieo trồng. Việc các nhà khoa học chọn tạo được những giống lúa có khả năng chịu mặn tốt càng giúp mô hình này có cơ hội phát triển. Đã hơn 5 năm nay, nông dân ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng (Cái Nước - Cà Mau) gắn bó với mô hình tôm - lúa. Dù có lúc thị trường tiêu thụ bấp bênh, tôm - lúa bị dịch bệnh nhưng mô hình vẫn chứng minh được tính hiệu quả. Với diện tích 2,5ha kết hợp tôm - lúa, năm nào ông Lê Thanh Hoàng ở ấp Phú Thạnh cũng trúng đậm. Ông sử dụng giống lúa OM 2517, có thể chịu mặn đến 5 phần nghìn, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha, chưa kể thu nhập từ tôm. Có một điều thuận lợi là, khi triển khai mô hình tôm - lúa, nông dân ấp Phú Thạnh nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc đắp bờ bao ngăn mặn, lựa chọn giống lúa phù hợp, làm ao vèo nuôi tôm. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn xây dựng mô hình tôm - lúa kết hợp ở đây với 6 hộ dân tham gia. Bà con chỉ phải chuẩn bị ao vèo (diện tích từ 500-1.000m2), Nhà nước hỗ trợ 100% tôm, lúa giống, 30% vật tư nông nghiệp. Một tổ hợp tác sản xuất tôm – lúa cũng được thành lập nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Mô hình tôm - lúa cũng đang được nhiều nông dân miền đất nhiễm mặn ven biển Gò Công và huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) áp dụng. Gia đình ông Hà Văn Hải ở ấp Phú Hữu (xã Phú Tân) là một trong những hộ tiên phong áp dụng mô hình. Ông cho biết, mô hình này không quá phức tạp, phù hợp với trình độ sản xuất và vốn của nông dân, cây lúa ít sâu bệnh, lợi nhuận cao. Được biết, trong năm đầu tiên áp dụng mô hình (2011), ông thu được trên 15 tấn lúa, 4 tấn tôm thương phẩm và lượng lớn các loại thủy sản khác, tổng doanh thu trên 209 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 165 triệu đồng. Chưa xứng tiềm năng Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích canh tác theo mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng140.000ha, chưa xứng với tiềm năng của vùng. Nhiều nhà khoa học đánh giá, nếu như được đầu tư một cách bài bản, mô hình có thể làm tăng sản lượng lúa thêm khoảng 500.000-700.000 tấn, giá trị con tôm thương phẩm cũng được nâng cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do diễn biến phức tạp của thời tiết và sự phát triển mang tính tự phát của mô hình đã nảy sinh không ít bất cập, đã có những xung đột giữa nông dân vùng trồng lúa và vùng nuôi tôm khi hệ thống thủy lợi còn thiếu đồng bộ. Mưa lớn, nhiệt độ không ổn định cũng khiến tôm nhiễm bệnh, chết hàng loạt, môi trường nuôi bị ô nhiễm. Một vài giải pháp Để mô hình lúa - tôm phát triển bền vững, các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng, trên cơ sở quy hoạch; chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh dịch bệnh ở tôm; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu. Hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất và chất lượng tốt...; sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao. Đối với nông dân vùng sản xuất tôm - lúa, các nhà khoa học khuyến cáo cần trang bị những kiến thức, hiểu biết về biến đổi khí hậu, kết hợp thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống bằng phương pháp sản xuất mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất tôm, lúa. Tổ chức thu thập, khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa đặc sản (lúa mùa và cải tiến) có chất lượng cao kháng các loại sâu bệnh chính và có khả năng chịu mặn để tuyển chọn đưa vào canh tác lúa - tôm. Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, song song với tổ chức tham quan các điển hình tiêu biểu để học tập kinh nghiệm.
Khánh Nguyên |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn