Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam của gia đình, anh Bình kể về những ngày đầu mới về xã Đồng Thành lập nghiệp. Sinh ra và lớn lên ở Đô Lương, sau đó anh Bình đi làm công nhân Nông trường 3/2 ở Quỳ Hợp, được cử vào đội trồng cam và duyên nợ với cây cam cũng bắt đầu từ đó, với tài sản khởi nghiệp là 2,8ha cam vào năm 1992. Nhờ có kinh nghiệm trồng cam từ hồi còn làm công nhân, cộng với sự chịu khó học hỏi, chăm cam như chăm người mà vườn cam của anh Bình lúc nào cũng xanh tốt, quả sai trĩu cành, thu nhập lên đến gần 200 triệu đồng/năm. Tuy cuộc sống gia đình ngày càng khá giả, song ý nghĩ làm giàu chưa bao giờ nguội tắt trong con người anh Bình. Trong một lần về Đồng Thành chơi, nhận thấy vùng đất này phù hợp với cây cam, anh bắt đầu nung nấu ý nghĩ xây dựng tại đây một trang trại cam quy mô bậc nhất Nghệ An. Anh Bình nói: "Trong đời, chưa bao giờ tôi có quyết định khó khăn đến thế, việc bán trại cam đang ăn nên làm ra ở Quỳ Hợp, rồi về Đồng Thành làm lại từ đầu cũng với cây cam quả là quyết định mạo hiểm". Để có được 19ha cam sai trĩu quả như bây giờ, 6 năm trước, anh Bình đã đánh liều bán 2,8ha cam ở Quỳ Hợp, dồn tất cả vốn liếng đầu tư cho vườn cam mới ở Đồng Thành. "Lúc đó, tôi phải đánh vật với cây cam, quyết sống chết với nó. Từ 19ha bạch đàn và cỏ dại mua lại của người dân với giá 45 triệu đồng, tôi thuê nhân công cải tạo để trồng cam. Khó khăn không sao kể hết. Nhưng cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người, ngay vụ đầu tiên, vườn cam của gia đình đã đơm hoa kết trái, chất lượng quả ngon, không thua kém gì cam ở Quỳ Hợp và những nơi khác. Vì vậy, tôi càng quyết tâm phát triển trang trại cam của mình", anh Bình kể. Hiện, trang trại của anh Bình có nhiều giống cam đặc sản như Xã Đoài, Vân Du, cam Vinh, cam Thái Lan…, mới đây, anh còn trồng thử một ít cam Mỹ. Tất cả giống cam anh đều mua trực tiếp tại Viện Giống cây ăn quả nên cây khỏe, không lai tạp, mau cho trái. Đặc biệt, các chồi cam giống được ghép trên gốc bưởi lai nên vừa khỏe, vừa chịu được khô hạn và tránh các bệnh về rễ. Anh Bình cho biết, vì cam ưa đất thoáng nước nên anh trồng trực tiếp trên sườn đồi, không cần bạt đất hay thay đổi cảnh quan. Ngoài ra, việc trồng trên sườn đồi còn giúp vườn cam thoáng gió, cây khỏe, ít bệnh. Tuy nhiên, cũng cần nắm chắc kỹ thuật chăm bón, nếu thừa dinh dưỡng, cây sẽ mau hợp tán mà không có trái, nên trồng theo hàng để tiện chăm sóc, thu hoạch… "Điều quan trọng nhất là người trồng cam cần xác định được thời điểm khoanh gốc. Khi thấy trên cây có lượng hoa, trái non đúng yêu cầu thì phải khoanh gốc để hạn chế lượng nước đưa lên, giúp cây không bị rụng hoa, rụng trái", anh Bình nói. Theo anh, trồng cam ở Đồng Thành thuận lợi hơn một số nơi khác vì đất ở đây là đất đỏ bazan, cây hầu như không bị bệnh, nhất là các bệnh do vi-rút không thể chữa khỏi. Chỉ cần chú ý đảm bảo đủ lượng nước cho cây vào mùa hè; sau mỗi đợt mưa kéo dài thì cần phun ngừa bệnh nấm cho cây. Cũng theo anh Bình, đất này đặc biệt hợp với giống cam Vân Du, quả vừa mỏng vỏ, vị thanh ngọt, năng suất cao, một cây trưởng thành có thể cho 80-100kg quả/năm. "Hiện, tôi mới trồng được 2.000 gốc cam Vân Du trên 1,5ha, cây còn ít tuổi nên năng suất thấp. Năm ngoái, vườn cam cho trái bói, năng suất đạt 110 tấn, thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng", anh Bình nói. Trang trại cam của anh Bình đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ và 4 lao động thường xuyên, với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Bình tiết lộ: "Hy vọng của tôi là phủ kín hơn 20ha đất đồi bằng các giống cam quý, khi cây trưởng thành có thể đạt năng suất 20-25 tấn/ha/năm". Tuy thế, người đàn ông yêu cam này vẫn trăn trở một điều, đó là thị trường nội địa đang có quá nhiều loại cam nhập, chất lượng thì không biết đâu mà lần. Anh tâm sự: "Thị trường Vinh đang cần hàng ngàn tấn cam/năm, đất Yên Thành lại rất phù hợp để trồng cam, do đó, làm thế nào để thương hiệu cam Thiên Sơn đến tay bà con là mong ước lớn nhất của tôi…". Công Mạo |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn