Nguồn vốn đầu vào ổn định
Lạm phát giảm rõ rệt (CPI tháng 6 dự báo sẽ tăng khoảng 0,2% và cả năm lạm phát là 8%), tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm và hoạt động sản xuất kinh doanh đang rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Thực tế này khiến Ngân hàng Nhà nước phải rút ngắn lộ trình giảm lãi suất, thay vì 1 quý giảm 1% như dự kiến, trần lãi suất huy động giảm mỗi tháng 1% liên tục 3 tháng gần đây. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh hạ trần lãi suất cho vay, từ 14% xuống còn 9%.
Các NHTM triển khai nhiều giải pháp huy động vốn để giữ chân nguồn tiền nhàn rỗi khi lãi suất huy động hạ |
Sự điều chỉnh linh hoạt này là bước đi cần thiết nhưng ở một góc độ khác cũng đặt lên vai các TCTD trước áp lực về hoạt động huy động vốn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn từ đầu năm đến nay tăng 13%- cao hơn cùng kỳ năm ngoái (thời điểm lãi suất huy động lên cao), đạt 50% kế hoạch.
Đặc biệt 3 tháng gần đây lãi suất đầu vào liên tục giảm, nguồn tiết kiệm dân cư vẫn tăng trưởng đều ở các tháng, hoạt động huy động vốn của các NHTM diễn ra bình thường và có tăng trưởng tốt.
Diễn biến thuận lợi trong công tác huy động thời gian qua đã tạo tiền đề cho các TCTD tiếp tục tập trung các giải pháp phù hợp để giữ chân các nguồn tiền nhàn rỗi. Sự chủ động này thể hiện ở chỗ ngay trước khi trần lãi suất huy động 9%/năm chính thức được áp dụng (ngày 11-6), một số NHTM như: Ngoại thương (Vietcombank), Á Châu (ACB), Hàng hải (Maritimebank) đã đã đón đầu chính sách mới bằng việc giảm mạnh lãi suất huy động; một số ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 9% ngay cả trước hiệu lệnh từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong 1 tuần đầu áp dụng mức lãi suất thấp kỷ lục trong mấy năm gần đây-9%/năm, các TCTD đều đã nghiêm túc thực hiện nhưng điều đáng mừng là nguồn vốn huy động của các TCTD vẫn giữ mức ổn định.
Ông Trần Sỹ Nghiêm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh cho biết, mặc dù những tháng gần đây lãi suất huy động giảm nhanh nhưng thị trường huy động vốn lành mạnh, ổn định hơn đã giúp đơn vị phát huy những lợi thế cạnh tranh khác để giữ thị phần huy động.
Với việc tăng cường gắn kết mối quan hệ với khách hàng, triển khai các chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng, đổi mới cách phong cách phục vụ, tăng cường hỗ trợ khách hàng, từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động tăng trên 700 tỷ, đạt gần 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt trong tuần qua, dù lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 9% nhưng nguồn tiền gửi khá ổn định, tạo thuận lợi cho ngân hàng giảm lãi suất đầu ra trên diện rộng.
Theo phân tích từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, lãi suất huy động dù giảm xuống còn 9% nhưng so với mức lạm phát dự kiến trong năm ở khoảng 7-9% thì lợi ích của người tiền vẫn được đảm bảo. Đối với những khách hàng không có điều kiện đầu tư vốn nhàn rỗi cho những mục tiêu kinh doanh khác thì kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn mang đến lợi nhuận và đảm bảo an toàn. Bởi vậy, tin rằng nguồn vốn huy động trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Lãi suất đầu ra sẽ khống chế đầu vào
Cùng với quyết định hạ trần lãi suất xuống 9%, lần này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung- cầu vốn thị trường. Điều này cũng có nghĩa, các TCTD được phép áp dụng lãi suất tiền gửi dài hạn cao hơn mức trần quy định, tùy thuộc vào thương lượng giữa khách hàng và ngân hàng.
Nguồn vốn huy động ổn định sẽ mở rộng đường cho đầu tư tín dụng |
Từ cơ chế mở này, những ngày gần đây, ở toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, có hiện tượng một số NHTMCP đột ngột tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 11%- 12%/năm. Thực tế này đang gây lo ngại về sự xáo trộn trên thị trường khi Ngân hàng Nhà nước quyết định dỡ trần lãi suất huy động dài hạn, lần đầu tiên sau hơn một năm áp dụng.
Tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến thì ở thời điểm này, trần lãi suất cho vay đã được ấn định thì lãi suất đầu vào cũng sẽ được khống chế. Khi trần lãi suất huy động về 9% thì trần cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ con 13%. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chưa bước ra khỏi thời kỳ khó khăn, DN đang lao đao tìm lối thoát, nguồn vốn lãi suất cao của ngân hàng sẽ chẳng biết đầu tư vào đâu. Lãi suất cao thì ít DN vay và nếu có vay cũng tiềm ẩn rủi ro, khó hu hồi vốn.
“Các NHTM tính rất kỹ bài toán kinh doanh để có lợi nhuận. Yếu tố thị trường và lợi nhuận sẽ là điểm mấu chốt khiến ngân hàng phải giữ mức lãi suất huy động hợp lý ở thời điểm này”- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của ngành ngân hàng tỉnh đạt trên 13% nhưng tăng trưởng dư nợ chỉ mới hơn 6%. Nguồn vốn cho vay nền kinh tế đang dồi dào, cộng với lãi suất đầu vào giảm mạnh đang là cơ sở để đầu tư tín dụng rộng đường.
Tuy nhiên, điều này chỉ mới giải quyết được một nửa bài toán tiếp cận nguồn vốn cho DN. Nửa còn lại phải là khả năng hấp thu nguồn vốn với những phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị cùng những tín hiệu khả quan hơn của nền kinh tế.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn