Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tăng cường hỗ trợ nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và phổ biến các kiến thức về thực thành nông nghiệp tốt (GAP) cho các cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ sở chế biến rau quả ở các địa phương.
Sau khi tiêu chuẩn VietGap được ban hành năm 2008 đến nay, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã và đang tư vấn cho các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ xây dựng các mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap như: Xoài (Đồng Tháp), chôm chôm (Vĩnh Long), thanh long (Long An), bưởi da xanh (Bến Tre), sơ ri, cam sành (Tiền Giang), khoai lang (Trà Vinh). Đến nay, Viện đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng được 15 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên cây ăn trái các loại và rau màu, với tổng diện tích hơn 217 ha của 314 hộ nông dân. Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn kinh phí, viện đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn sản xuất cây ăn trái theo hướng Gap cho hơn 700 học viên ở các tỉnh, thành phía Nam.
Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam là đơn vị đi đầu trong việc giới thiệu và ứng dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất nông nghiệp, nên thế mạnh của Viện cũng chính là tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân xây dựng các mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và GLobalGap, nhằm cung cấp sản phẩm nông sản "sạch" phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Thông qua sự hỗ trợ của Viện và các ngành chức năng, đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có gần 300 ha mô hình cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam. Một số cây ăn trái được chứng nhận VietGAP như: Bưởi da xanh (Bến Tre), chôm chôm JaVa (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), nhãn tiêu da bò (Tiền Giang, Bến Tre), quýt hồng (Đồng Tháp)… đang phát huy hiệu quả trong việc đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo TTXVN