Nhận thấy nhu cầu về giống ốc nhảy da vàng, từ năm 2005, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất (KHKT&SX) giống thuỷ sản Quảng Ninhđã tiến hành triển khai đề tài nghiên cứu đặc điểm và quy trình sinh sản của ốc nhảy da vàng nhằm tiến tới mục tiêu nhân giống, chủ động quy trình sản xuất giống loại ốc này.
Đến năm 2015, công trình nghiên cứu đã mang lại những kết quả cơ bản, đưa ra được quy trình công nghệ, từ nguồn giống đã nhân tiến hành nuôi thử nghiệm trong môi trường thực tế tại xã Bản Sen. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc còn tồn tại hạn chế về đảm bảo nguồn thức ăn cho ốc ở giai đoạn non; tỷ lệ sống sau khi thả ốc giống ra môi trường tự nhiên thấp, nên từ đó đến nay đối tượng ốc nhảy da vàng không được nghiên cứu, nhân rộng mô hình. Đáng mừng là mới đây, vào tháng 5-2017, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, dự án nhân giống ốc nhảy da vàng đã được tái khởi động trở lại và đến thời điểm này có nhiều chuyển biến hơn so với các giai đoạn trước.
|
Ốc nhảy da vàng là đặc sản của huyện Vân Đồn, được thực khách ưa chuộng. Ảnh: Hồng Nhung |
Theo anh Bùi Hữu Sơn, Phó Phòng Khoa học kỹ thuật, Trung tâm KHKT&SX giống thuỷ sản Quảng Ninh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Nét khác biệt trong công trình nhân giống lần này so với trước đây là chúng tôi triển khai trong môi trường giống tự nhiên nhất đối với con ốc nhảy da vàng. Cụ thể, chúng tôi vẫn sử dụng ốc bố mẹ thu được từ môi trường tự nhiên, tạo điều kiện cho chúng bắt cặp và dùng nhiệt độ, độ mặn để kích đẻ.
Tuy nhiên, thay vì thực hiện trong lồng lưới và ở môi trường nước gần bờ hoặc nước trong bể như trước đây, Trung tâm đã sử dụng khu vực trại giống trên biển của Công ty TNHH Đỗ Tờ (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn), vốn có nước mặn quanh năm, môi trường nước trong lành và độ mặn phù hợp. Cơ sở này còn có khu vực bãi triều rộng lớn, dùng để ương giống trong cả 2 giai đoạn cấp 1 và cấp 2, giúp ốc giống có thể thích ứng với môi trường tự nhiên mà không bị giảm tỷ lệ sống.
Đến thời điểm này, Trung tâm đã nhân được khoảng 20 vạn con và đang vào trong giai đoạn ương cấp 2, tức là con ốc có kích thước bằng đầu ngón tay, có khả năng tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên để phát triển. Theo anh Sơn, nếu theo đúng quy trình, khoảng 10 ngày nữa lứa ốc này có thể được xuất để thả giống nuôi trong môi trường tự nhiên. Tỷ lệ sống sau thả ước đạt khoảng 70-80%, cao nhất từ trước đến nay.
Có thể thấy, kết quả trên là một bước tiến đáng mừng trong mục tiêu nhân giống, là cơ sở để có thể nhân rộng mô hình nuôi ốc nhảy da vàng. Đây hứa hẹn sẽ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho người dân. Bởi quy trình nuôi ốc nhảy da vàng không khó, giống ở tuổi cấp 2 khi thả ra tự nhiên đã có sức sống và khả năng kiếm mồi tốt, tỷ lệ sống cao. Điều kiện nuôi là chọn bãi tự nhiên, khoanh vùng và thả ốc giống (mật độ 15 con/m2) dẫn đến suất đầu tư ban đầu không lớn; khâu thu hoạch dễ dàng.
Chính bởi vậy, nếu trong quá trình nuôi (từ 8 tháng đến 1 năm) mà quản lý tốt thì chỉ trong khoảng 2-3m2 có thể thu hoạch được 1kg, giá thu mua trên thị trường khoảng 350.000 đồng/kg. Tính ra 1ha ốc nhảy da vàng thu hoạch được khoảng 3 tấn ốc thương phẩm. Trong khi đó con ốc nhảy da vàng do chất lượng tốt, mẫu mã, màu sắc bắt mắt, tỷ lệ dinh dưỡng trong thịt cao, đặc biệt là chỉ phân bố trên một số ít vùng biển, trong đó trọng tâm là vùng biển Vân Đồn nên thị trường tiêu thụ rất rộng mở, cung không đủ cầu.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực, sáng tạo, Trung tâm KHKT&SX giống thuỷ sản Quảng Ninh sẽ sớm đưa ra thị trường giống ốc nhảy da vàng thương phẩm, đạt tiêu chuẩn, là cơ sở để người dân nhân rộng mô hình kinh tế nuôi trồng thuỷ sản vốn mang lại sản lượng và giá trị.