Vai trò nền tảng của nông nghiệp
Vốn xuất phát là một nước thuần nông, kinh tế Việt Nam dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vài thập niên gần đây, mặc dù nhà nước có những chuyển hướng tập trung vào công nghiệp hay dịch vụ thì nông nghiệp vẫn đóng vai trò là ngành cơ sở, tương hỗ và thúc đẩy phần còn lại của nền kinh tế phát triển. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam, ổn định ở mức 20 – 22% trong giai đoạn 2005 – 2011.
Nông nghiệp cũng là nhóm ngành đóng góp giá trị đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bước đột phá là từ kim ngạch 7,5 tỷ USD vào năm 2005, đã đạt đến 25 tỷ USD vào năm 2011. Tính chung giai đoạn 2005 – 2011, sản phẩm nông nghiệp đóng góp trung bình trên 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong đó nhiều nhất là nông sản, kế đến là thủy sản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nông nghiệp là ngành sản xuất có mức sinh lời vượt trội, do chi phí đầu tư chỉ khoảng 6 – 7% tổng giá trị đầu tư toàn xã hội, trong khi công nghiệp là 17 – 20%, nhưng lại mang về nguồn thu nhập cao, đặc biệt là thu nhập về ngoại tệ.
Thẻ tín dụng cho nông dân
Là một ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vốn đầu tư cho nông nghiệp hiện còn rất hạn chế. Theo đó, nguồn vốn đến với nông dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dịch vụ ngân hàng phát triển chưa tương xứng tiềm năng của một thành phố lớn.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để thuận tiện và tăng hiệu quả cho chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nên triển khai chương trình phát hành thẻ tín dụng cho nông dân. Đây là chương trình không còn mới mẻ trên thế giới và đã được áp dụng khá thành công tại một số nước như Ấn Độ, Thái Lan… Chương trình này sẽ giúp cung cấp đầy đủ, kịp thời và nhanh chóng các hỗ trợ tín dụng đến với người nông dân, đồng thời giúp hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông cũng như giúp nông dân tận hưởng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng, bên cạnh đó cũng giúp giảm thiểu các chi phí về thủ tục và giấy tờ, đơn giản hóa quy trình và tăng cường tính linh hoạt.
Theo đó, hạn mức tín dụng sẽ được cấp dựa trên diện tích đất và ước tính về nhu cầu sản phẩm đầu vào (phân bón, giống) mà người dân sẽ sử dụng, những thông tin này sẽ được truy cập bất cứ khi nào thẻ được sử dụng để mua hàng tại những nhà phân phối được chấp thuận. Việc sử dụng thẻ sẽ được theo dõi nghiêm ngặt, nếu nông dân sử dụng sai mục đích sẽ bị liệt vào danh sách đen và sẽ không được tiếp tục tham gia vào chương trình tín dụng này.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, với điều kiện của TP.HCM thì việc phát hành thẻ tín dụng cho nông dân là hoàn toàn khả thi. Bởi hiện tại, mạng lới chi nhánh, phòng giao dịch, của Agribank ở ngoại thành TP.HCM đã khá nhiều và đang tiếp tục được mở rộng. Việc lắp đặt các máy POS thanh toán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng có thể được thực hiện tương tự như tại các khách sạn. “Nhiều khả năng Agribank sẽ bắt tay vào nghiên cứu và áp dụng mô hình này ngay trong những tháng đầu năm 2013” – ông Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, hiện tại, nhiều hộ nông dân cũng đã sử dụng thẻ ngân hàng. Cụ thể, nông dân miền Tây khi bán lúa sẽ nhận thẻ của Agribank sau đó rút tiền chi tiêu dần. Sắp tới đây, Agribank sẽ coi các hộ nông dân là một đơn vị kinh tế và cấp cho họ một hạn mức tín dụng như một DN nhỏ và vừa. Hình thức này sẽ giúp giảm được rất nhiều chi phí, đồng thời phù hợp với chủ trương của nhà nước về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho nông dân vay cũng sẽ được quản lý tốt hơn, giúp nông dân sử dụng vỗn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn hơn. Ông Bảo cũng cho biết, sắp tới Agribank sẽ thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tín dụng nông nghiệp cho từng đối tượng riêng biệt như: hộ nuôi trồng thủy sản, hộ chăn nuôi gia súc gia cầm, hộ trồng trọt công nghệ cao…
Nguyễn Hiền
Theo Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn