.
Theo dẫn giải của ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh thì “ngân hàng” bê/nghé mà VinGroup mong muốn xây dựng là từ con giống (9 tháng tuổi trở lên) được hỗ trợ nuôi tại hộ gia đình, khi đẻ lứa đầu tiên là bê/nghé cái thì sau khi nuôi được ít nhất 9 tháng tuổi sẽ chuyển giao con giống này cho hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo khác nuôi, và cứ như vậy phát triển và mở rộng các hộ hưởng lợi trong địa phương; trường hợp con giống đẻ lứa đầu tiên là bê/nghé đực thì khi đủ 9 tháng tuổi trở lên, Ban thực thi cấp xã phối hợp với hộ gia đình bán bê/nghé đó và lấy tiền đó mua bê/nghé cái để trao cho hộ nghèo khác.
Chương trình hỗ trợ bê/nghé của Vingroup nhằm giúp hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện cải thiện sản xuất, nâng cao thu nhập |
Trong cả hai trường hợp trên, sau khi trao lứa đẻ đầu tiên thì hộ gia đình được hưởng lợi hoàn toàn con trâu/bò giống đó. Như vậy từ 7.000 con giống mà Vingroup sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo sản xuất nông - lâm nghiệp thì chỉ sau 2 – 3 năm các địa phương lại có thêm 7.000 con nữa và cứ thế nhân lên sau 2 – 3 năm tiếp theo.
Nhằm thực hiện tốt nguồn tài trợ của Tập đoàn VinGroup, sau khi có Thông báo của Tỉnh ủy về việc thành lập Ban chỉ đạo tỉnh và giao cho Hội Cựu chiến binh tỉnh là cơ quan thường trực, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức tiếp nhận và chỉ đạo các địa phương thành lập Ban điều hành cấp huyện, Ban thực thi cấp xã và Tổ công tác cấp thôn để tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức bình xét và lập danh sách các hộ đề nghị hỗ trợ.
Đến cuối năm 2011, VinGroup đã tiến hành trao 56 con giống cho các gia đình thuộc 2 xã làm điểm là: Đức An (Đức Thọ) 31 con và Thạch Ngọc (Thạch Hà) 25 con. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con làm điểm, nhà tài trợ đi đến quyết định thay vì trao con giống thì sẽ chuyển tiền để các hộ dân tự mua tại chỗ nhằm tạo cơ hội cho những hộ có điều kiện có thể bỏ thêm tiền để mua con giống ưng ý hơn.
Tiếp đó, từ tháng 4/2012, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ số lượng bê/nghé của nhà tài trợ, trong đó nhiều nhất là huyện Kỳ Anh với 1.100 con, tiếp đó là Hương Khê 900 con, Cẩm Xuyên và Hương Sơn 800 con, Thạch Hà 670 con, Can Lộc 637 con, Nghi Xuân 547 con, Đức Thọ 500 con, Vũ Quang 378 con, thành phố Hà Tĩnh 178 con, thị xã Hồng Lĩnh 90 con.
Riêng huyện điểm Lộc Hà cũng là quê hương của Chủ tịch Tập đoàn được phân bổ 400 con nhưng qua khảo sát, phúc tra thì chỉ có 361 hộ đủ tiêu chuẩn, 39 hộ còn lại phần do tự ý mua trước, phần là hộ độc thân, hộ chưa có nhà riêng, hộ có chồng lao động thu nhập 3 triệu đồng/tháng nên phải chờ nhà tài trợ xem xét lại.
“Từ việc sàng lọc ở huyện điểm Lộc Hà cho thấy, nhà tài trợ rất nghiêm túc thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đúng tiêu chí; đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đồng thuận; nghiêm cấm việc lợi dụng hỗ trợ để hưởng sai chế độ hoặc sử dụng không đúng mục đích. Cũng vì cẩn trọng từ việc lựa chọn phương thức trao quà, hồ sơ xét duyệt nên tiến độ triển khai chương trình có phần chậm nhưng đây là phần việc không thể xem nhẹ. Đó cũng là cơ sở cho việc triển khai đại trà trong thời gian tới”, ông Mỹ chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh, nhằm khắc phục một số hạn chế, thiếu sót, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã có buổi làm việc với ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup kiêm Chủ tịch Quỹ Thiện tâm, trong đó yêu cầu các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ dân an tâm về việc dự án vẫn tiếp tục tiến hành; ban điều hành các huyện, thành phố, thị xã phải quán triệt chấm dứt việc các hộ tự mua con giống, đồng thời khẩn trương chỉ đạo các xã/phường/thị trấn rà soát, lập danh sách các hộ đã chủ động mua con giống khi chưa được nhà tài trợ thẩm định.
Ban chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị nhà tài trợ: đối với huyện điểm Lộc Hà, cần sớm mua con giống cung cấp cho 361 hộ và giải quyết tiền cho 33 hộ đã tự ý mua trước; đối với các địa phương còn lại, tập trung thẩm định, xét duyệt để làm căn cứ thực hiện hỗ trợ, trường hợp những hộ đã chủ động mua con giống, nếu đủ điều kiện thì cấp tiền hỗ trợ; riêng Kỳ Anh và Can Lộc là hai địa phương có các phiên chợ mua bán trâu, bò thường kỳ thì có thể áp dụng hình thức giao Ban điều hành huyện mua và cung cấp cho các hộ dân; về mức hỗ trợ, do thời gian qua giá cả thị trường có nhiều biến động nên cần nâng mức hỗ trợ từ 9 triệu đồng/con trước đây lên 10,5 triệu đồng/con để thỏa mãn thêm các điều kiện về chất lượng cong giống, tiêm phòng dịch bệnh, tập huấn kỹ thuật, chi phí vận chuyển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn