Thực hiện Quyết định số 401-QĐ/TU ngày 25/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 9/6/2012, Đoàn Kiểm tra của Tỉnh ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới do Đ/c Lê Đình Sơn, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Đảng bộ huyện Vũ Quang
Sau khi làm việc với Chi bộ thôn Quang Hưng, Đảng uỷ xã Đức Lĩnh, Đoàn Kiểm tra đã trực tiếp làm việc với Ban thường vụ huyện Vũ Quang và kiểm tra các hồ sơ liên quan.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành đầy đủ các văn bản thực hiện Chương trình, công tác tuyên truyền, giáo dục và truyền thông được chỉ đạo quyết liệt nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; 9/9 xã phê duyệt đồ án quy hoạch và 2 Đề án; cắm được 411km/458 tuyến (172 km/56 tuyến đường trục xã, 239 km/402 tuyến đường thôn, liên thôn), cắm mốc, san ủi 12,4 km đường nội đồng, huy động hơn 42000 ngày công lao động và hơn 198000 m
2 đất được hiến…
Công tác phát triển sản xuất có bước chuyển biến mạnh, huyện đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhóm sản phẩm có thế mạnh của huyện như nuôi hươu, chăn nuôi lợn, cao su tiểu điền. Kết quả đã xây dựng 23 mô hình với tổng kinh phí 4.466,3 triệu đồng do Công ty cổ phần Mitraco Hà Tĩnh, UBND huyện, xã tổ chức chủ trì, nổi bật là các mô hình liên kết phát triển chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần Mitraco Hà Tĩnh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về thực hiện tiêu chí, đến nay có 2 xã đạt 5-9 tiêu chí (Hương Minh, Ân Phú); 7 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí ( Đức lĩnh, Đức Hương, Hương Thọ, Sơn Thọ, Đức Bồng, Đức Liên, Đức Giang). Các tiêu chí như giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, văn hoá, tổ chức sản xuất ở các xã đạt được từ 60-70% so với chuẩn và tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2011.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Lê Đình Sơn Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Vũ Quang là một huyện miền núi khó khăn nhưng đã triển khai quyết liệt Chương trình nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện nhà, thể hiện quán triệt kịp thời sâu rộng và nhận thức đã được chuyển biến cụ thể hoá nghị quyết 02 và nghị quyết 03 của Đảng bộ huyện.
Ban Chỉ đạo đã duy trì chế độ họp giao ban và kiểm tra cơ sở thường xuyên; quy hoạch được công khai đến tận thôn xóm; đã xác định được sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng được một số mô hình có giá trị kinh tế cao như mô hình chăn nuôi (anh Đức, anh Viện, Anh Thê), cơ cấu giống lúa có sự chuyển dịch theo hướng tăng năng suất (vụ Đông Xuân 2012 đạt 60.48 tạ/ha). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại như công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu; phân công gắn trách nhiệm cho cấp uỷ, đảng viên, đội ngũ lãnh đạo chỉ đạo ở xã chưa thể hiện rõ; hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối chưa rõ nét…
Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Huyện ủy cần tập trung các vấn đề sau: Công tác tuyên truyền cần đi vào chiều sâu theo từng chủ đề như tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá, trang trại, gia trại, sản phẩm chủ lực, Quyết định 19/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh…Soát xét, điều chỉnh quy hoạch theo Thông tư 13; quản lý nhà nước có giám sát cộng đồng, quản lý công trình nâng cao chất lượng hiệu quả; kiểm tra, giám sát vai trò lãnh đạo của Đảng về xây dựng nông thôn mới và tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm.
Văn An
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh