Các nhà khoa học tại Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và cộng sự đã cung cấp kiến thức về các thành phần hóa học và sinh khả dụng tiềm năng của các hợp chất dinh dưỡng trong một nhóm đại diện của năm giống lúa có màu sắc khác nhau.
Những phát hiện này có thể giúp các nhà lai tạo giống chọn ra những đặc tính từ 18.000 mẫu gạo tại Bộ sưu tập quốc gia Ngũ cốc hạt nhỏ ở Aberdeen, Idaho.
Mặc dù gạo thường nhắc đến là gạo trắng hoặc nâu, nhưng gạo được phân loại thành bảy lớp màu, dựa trên màu của hạt cám, và các giống gạo có màu tối hơn được cho là do có hàm lượng một số hợp chất phytochemical (các chất có lợi cho sức khỏe) cao hơn các giống có màu sắc sáng hơn. Tác giả chính của nghiên cứu là nhà hóa học Ming-Hsuan Chen tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu lúa gạo Dale Bumpers trực thuộc Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) ở Stuttgart, Ark.
Cám gạo, lớp ngoài của gạo nguyên hạt là một nguồn giàu các hợp chất Phytochemical được biết đến có chứa các chất như: gamma-oryzanol, và hai dạng vitamin E là tocopherols và tocotrienols. Các hợp chất dinh dưỡng này có liên quan đến việc chống ôxy hoá ở các loại thực phẩm và có một phổ rộng các hoạt tính sinh học có thể có lợi cho sức khỏe con người.
Nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích để xác định các dữ liệu của tocopherol, tocotrienol và gamma-oryzanol trong lớp cám màu trắng, nâu nhạt, nâu, đỏ, tím. Họ phát hiện thấy một sự khác biệt lớn về hàm lượng của hai dạng vitamin E và gamma-oryzanol.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích các hợp chất phytochemical khác, cụ thể là phenol và flavonoid, trong lớp cám của cả năm loại gạo đó. Nghiên cứu này đã cho thấy, cám gạo màu đỏ và màu tím có chứa hàm lượng phenol và flavonoid cao hơn so với cám gạo có màu nhạt hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một loại cám gạo màu tím có hàm lượng hợp chất phenolic, vitamin E và oryzanol cao.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Nông nghiệp, số ra tháng 4/2013.
Nguồn: Researchers Determine Beneficial Compounds in Whole-grain Rice Varieties
http://www.ars.usda.gov