Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý nước tưới nông nghiệp bị nhiễm phèn, đồng thời thay đổi tính chất vật lý của nước, góp phần giúp cây phát triển tốt hơn so với khi chưa xử lý.
Ông Hồ Quốc Hùng – Phòng Ứng dụng của Trung tâm cho biết, hệ thống xử lý nước nhiếm phèn được ứng dụng công nghệ vật lý từ trường và công nghệ aluwat (dùng hạt lọc khử phèn, sắt) để xử lý nước ngầm nhiễm phèn, mặn bao gồm các thiết bị: máy bơm, ống dẫn, bồn chứa, ống hút khí, bồn chứa để xử lý nước bằng công nghệ aluwat và bộ xử lý nước bằng công nghệ vật lý từ trường. Bộ này gồm có bộ trao đổi ion, hệ thống từ trường - va đập phân tử (bộ làm tơi nước) và bộ phối trộn khí cung cấp oxi trong nước.
Ông Hồ Quốc Hùng giới thiêu về hệ thống tưới nước cho nông nghiệp. Ảnh Kiều Anh
Nước giếng được bơm lên sẽ phối trộn ngay với không khí tại dàn phối khí trước khi vào bồn chứa. Việc phối trộn không khí để oxi hóa sắt II thành sắt III và mangan II thành mangan IV là dạng hòa tan trong nước, đảm bảo oxi hóa ít nhất 30% lượng sắt có trong nước. Đồng thời, làm giàu oxi để tăng thế oxi hóa khử của nước, khử các chất bẩn ở dạng khí hòa tan trong nước. Sau đó nước sẽ được chuyển vào bồn chứa, bơm qua cột composite để xử lý bằng công nghệ aluwat. Tại đây, nước sẽ được lọcxử lý các tạp chất, cặn bẩn, các chất hữu cơ, thuốc trừ sâu... Sau khi xử lý xong, nước được chuyển qua bộ xử lý bằng công nghệ từ trường.
Theo đó, nước qua hệ thống từ trường tĩnh giúp ion hóa nguồn nước, có khả năng chuyển đổi cấu trúc phân tử của nước thành các cụm nhỏ hơn. Nước qua hệ thống này giúp làm tơi mới nguồn nước, tăng sức căng bề mặt nước. Đồng thời, giảm được độ nhớt của nguồn nước sinh hoạt, tăng cường khả năng hoạt hóa của thiết bị lọc, cũng như thẩm thấu các chất tốt hơn, giảm lượng nước và sử dụng hóa chất. Nước từ trường cũng có thể làm tăng mức CO2 và H + trên đất so với việc bổ sung phân bón. Nhờ đó mà cây trồng hấp thụ dưỡng chất trong đất, phân bón tốt hơn, tránh dư lượng phân bón trong đất quá cao dẫn đến bạc màu và chai đất. Kết quả kiểm mẫu cho thấy hàm lượng các chỉ tiêu đều đạt chuẩn cho phép theo QCVN 39:2011/BTNMT về chất lượng dùng cho nước tưới tiêu.
Ông Hùng cho biết thêm, Trung tâm đã phối hợp với Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) thực hiện các khảo nghiệm thực tế trên cây cải xanh trên đất nhiễm mặn và trồng cải mầm trên các giá thể khác nhau (xơ dừa, mùn cưa...). Kết quả cho thấy, cây phát triển tốt hơn gấp 1,47 lần so với khi sử dụng nước chưa xử lý và gấp 1,29 lần so với cây sử dụng nước máy.
Hiện nay, Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để hệ thống này có thể xử lý được nước bị nhiễm mặn đến 5/oo.