Cô gái Nhật giúp hàng ngàn người Việt thoát nghèo nhờ nông nghiệp hữu cơ
Vào năm 2009, cô gái Mayu Ino đến từ Tokyo đã thành lập một tổ chức phi chính phủ là Seed To Table để hỗ trợ những người nông dân Việt Nam, thông qua việc giúp đỡ họ làm nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi.
"Chúng tôi khuyến khích phát triển bền vững bằng cách giúp người nông dân tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên. Song song với việc giúp họ tự chủ về kinh tế, chúng tôi còn hỗ trợ việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng", Ino nói.
Seed To Table hoạt động dựa vào nguồn ngân sách 15 triệu yen mỗi năm (khoảng 3 tỷ đồng), được tài trợ bởi nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó có công ty mỹ phẩm Lush (Anh), quỹ môi trường của tập đoàn Mitsui và Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Chỉ trong vòng 3 năm qua, dự án này đã giúp xóa đói giảm nghèo cho hơn 1.300 hộ gia đình.
Ino đã có nhiều kỷ niệm gắn bó với đất nước Việt Nam, kể từ lần đầu tiên cô đặt chân đến mảnh đất hình chữ S vào năm 1997, để nhập học ngành ngôn ngữ và văn hóa tại Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Ino vẫn nhớ như in cái cảm giác đau đớn ở cơ lưỡi khi cô phát âm 6 âm sắc của tiếng Việt. Sau nhiều tháng liền khổ luyện, cuối cùng cô đã tiến bộ và tự tin rằng mình có thể phát âm được tiếng Việt hoàn hỏa. Một lần nọ, khi chiếc xe của cô bị thủng lốp, cô hỏi bằng tiếng Việt với bà chủ nhà nơi cô thuê ở về chỗ sửa xe đạp. "Bà chủ nhà gật đầu ra vẻ đã hiểu những gì tôi nói. Nhưng sau khi đi một hồi, bà quay lại với một hộp sữa chua trên tay", Ino nhớ lại và cười.
Không nản lòng, Ino tiếp tục kiên trì việc học. Sau khi rời Hà Nội, cô gái này đã lấy bằng Thạc sĩ ngành Đông Nam Á học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo), sau đó gia nhập Trung tâm Tình nguyện Quốc tế Nhật Bản (JVC) với vai trò là điều phối chương trình, và sau đó là người đại diện tổ chức này tại Việt Nam. Trong 6 năm liền, Ino đã hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng như xây dựng đập nước và trồng quýt để chống xói mòn đất.
Khi JVC đóng cửa văn phòng tại Việt Nam vào năm 2009, Ino đã quá gắn bó với mảnh đất này, vì vậy cô đã thành lập Seed To Table. Giờ đây, dự án này hiện đang hoạt động chủ yếu ở hai khu vực chính là tỉnh Hòa Bình và tỉnh Bến Tre.
Hòa Bình là nơi sinh sống chủ yếu của các đồng bào dân tộc Mường và Ino đã làm việc với họ kể từ năm 2003. Theo cô, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong cộng đồng người Mường là tình trạng lạm dụng hóa chất nông nghiệp, đây cũng là mầm mống gây nên nhiều căn bệnh cho trẻ em ở địa phương này.
"Các nông dân ở Hòa Bình từng dựa vào phương thức canh tác truyền thống để trồng cây lúa và mía đường. Nhưng gần đây, họ lại quá phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đến mức nhiều người không còn biết cách làm nông nếu không có những loại hóa chất này. Chúng tôi cố gắng chỉ lại cho họ những phương pháp mà họ đã quên", Ino bộc bạch.
Để hợp tác chặt chẽ với bà con nông dân địa phương, Ino tiến hành chiến dịch thu thập côn trùng và các loài sống trong ao hồ để xác định loài nào có hại và có lợi cho cây trồng. Trong khi đó, nông dân sẽ thu thập hạt giống của các loài cây trồng bản địa nhằm phân loại và để dành cho các mùa vụ kế tiếp. Bằng cách này, hạt giống có thể thích hợp với điều kiện ở địa phương và có thể phát triển trong phân ủ mà không cần hóa chất.
Năm 2014, những chiến dịch này đã giúp các nông dân Hòa Bình được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, cho phép họ bán các sản phẩm của mình với giá cao hơn so với các loại cây trồng bằng phân hóa học. Để quảng bá các sản phẩm hữu cơ của nông dân Hòa Bình như thịt heo, trứng và bưởi, Ino vừa tổ chức một buổi hội thảo với Câu lạc bộ Đầu bếp Hà Nội, một tổ chức bao gồm nhiều đầu bếp có tiếng từ các khách sạn và nhà hàng lớn.
Trong khi đó tại tỉnh Bến Tre, vẫn còn có khá nhiều người dân sống trong cảnh thiếu thốn. Chẳng hạn, công nhân chế biến hải sản chỉ được trả 80.000 đồng cho một ngày công, và tình trạng đất chật người đông khiến cho nhiều nông dân không có đủ đất canh tác để nuôi sống gia đình.
Do đó, Ino đã giúp đỡ nông dân Bến Tre trồng trọt các sản phẩm hữu cơ có thể bán với giá cao hơn hai, ba lần so với mức bình quân thị trường. Một trong số các khách hàng trung thành nhất của nông dân là các trường học tại địa phương. Họ thường mua sản phẩm để phục vụ bữa trưa "không hóa chất" cho học sinh.
Năm 2015, Seed To Table tổ chức một cuộc thi cho trẻ em nhằm tìm ra logo cho các sản phẩm rau quả hữu cơ. Mẫu thiết kế đoạt giải trong cuộc thi lần đó là một bó bắp cải được quấn băng có ghi chữ "Hữu cơ", và nó đã được in vào các bao bì đóng gói trái cây và rau quả cùng với số điện thoại của nông dân. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp họ để thắc mắc hoặc khiếu nại về sản phẩm.
Ngoài các hóa chất nông nghiệp, người dân Bến Tre cũng đang lo ngại về tình trạng ô nhiễm từ hàng triệu lít chất độc màu da cam sau chiến tranh. Ngày nay, có khoảng 13.000 người dân trong tỉnh (trên tổng dân số 1,5 triệu người) đang bị phơi nhiễm chất độc này. Trong đó có nhiều trẻ em mắc bệnh, buộc cha mẹ các em phải ở nhà chăm sóc. Do không thể làm việc, những gia đình này nhận được hỗ trợ từ Seed To Table dưới hình thức xây dựng nhà và nâng cấp phương tiện chăm sóc. Chẳng hạn như vào năm 2014, đóng góp của các nhà từ thiện từ Nhật Bản đã giúp Seed To Table xây dựng một phòng ngủ có lát gạch cho một bệnh nhân trẻ mắc bệnh tràn dịch não.
Dù Seed To Table thường xuyên nhận được sự ủng hộ rất tích cực, tuy nhiên nhiều người cũng có phần hoài nghi về những lợi ích lâu dài của các dự án có quy mô nhỏ như vậy. Mặc dù vậy, Ino vẫn khá tâm huyết với công việc và giá trị từ sự giúp đỡ, và không gì chứng minh được điều này tốt hơn ý tưởng "ngân hàng vịt" của cô.
Từ năm 2012, Ino đã sắp xếp cho nhiều gia đình "vay" 25 con vịt con để họ nuôi lớn, thu hoạch trứng rồi bán thịt.
"Tại Bến Tre, một gia đình đã nhận nuôi 25 con vịt để lấy trứng và trong vòng một năm, họ đã kiếm đủ tiền để mua bốn bể chứa nước. Đổi lại, các bể chứa này cho phép họ có thể trồng nhiều loại rau. Và năm sau đó, họ đã có đủ tiền để mua cho riêng mình một mảnh đất", Ino kể.
Ino cũng thành lập một "ngân hàng bò", nơi nông dân có thể "vay" một con bò cái với mức giá thấp. Sau khi nuôi lớn, con bò này đẻ con và nông dân sẽ trả lại một con bê cho "ngân hàng". Điều tuyệt nhất là họ được phép giữ lại con bò ban đầu và những lứa bê tiếp theo.
Nếu biết rằng một con bò trưởng thành có thể có giá tới 30 triệu đồng, "ngân hàng" của Ino thực sự mang lại nông dân một cơ hội độc nhất vô nhị để thoát nghèo.
Cho đến nay, Seed To Table đã cho vay 72 con bò và hàng chục ngàn con vịt. Dự án này cũng dạy cho nông dân nguyên tắc tính toán cơ bản để họ có thể quản lý tốt hơn nguồn tài chính mới của mình.
Từ tháng 1/2016, chính quyền địa phương tại Bến Tre cũng tuyên bố sẽ bắt đầu áp dụng cách tiếp cận tương tự như các dự án kiểu Seed To Table để phát triển cộng đồng trong tương lai.
Theo báo Japan Times, trong thời gian tới người nông dân Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định. Việc cho phép việc trồng các giống cây trồng biến đổi gen từ năm 2015 được cho là có thể đe dọa các giống cây trồng địa phương mà Ino đã cố gắng hết sức để bảo vệ. Hơn nữa, việc tham gia hiệp định TPP cũng có thể khiến người nông dân phải tìm cách cạnh tranh với các tập đoàn nông nghiệp lớn của nước ngoài.
Dù mọi chuyện có thế nào đi nữa, thì Ino vẫn giữ cam kết hỗ trợ những nông dân cần được giúp đỡ nhất. Mục tiêu ngắn hạn hiện tại của Seed To Table bao gồm việc tạo ra mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các phụ nữ trong cộng đồng nông thôn để đảm bảo thu nhập thường xuyên. Trong dài hạn, Ino đang lên kế hoạch xây dựng giữa kết nối giữa người nông dân Việt và các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Điều khiến cho Ino giữ được sự lạc quan của cô chính là thế hệ trẻ của Việt Nam. Cô chia sẻ: "Ngày càng nhiều người trẻ sống ở thành phố và có học thức trở nên quan tâm hơn tới ngành nông nghiệp. Họ thường xuyên sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin về những lợi ích của thực phẩm hữu cơ. Gần đây, họ thậm chí bắt đầu tổ chức những tour du lịch sinh thái ở khu vực nông thôn để tận mắt nhìn thấy hoạt động tại các trang trại".
Trường Văn
Nguồn Japan Times
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn