Paul đang có một trang trại tổng hợp kết hợp trồng cây và nuôi bò ở phía Bắc nước Anh, với tổng diện tích canh tác khoảng 340ha, bao gồm lúa mỳ, lúa mạch, cải dầu, đậu Hà Lan, ngô và cà chua.
Paul Temple trên ruộng thử nghiệm cây biến đổi gen.
Những năm 1990, Paul từng tham gia các hoạt động vận động để phản đối đưa cây trồng BĐG được canh tác ở châu Âu, bởi lúc đó ông nghĩ rằng cây trồng mới này sẽ cạnh tranh trực tiếp với cây trồng không BĐG. Nhưng sau khi tham gia vào hoạt động khảo nghiệm một số cây trồng BĐG trên đồng ruộng (diện hẹp) cho Chính phủ Anh quốc từ năm 1999 đến 2001, Paul đã thay đổi suy nghĩ.
“Thực sự trải nghiệm và nhìn thấy những lợi ích rõ rệt mà cây trồng này mang lại đã làm tôi nhận thức rõ ràng hơn về bản chất của phương pháp tạo giống hiện đại. Chúng tôi có thể để cỏ dại qua mùa đông cùng với cây trồng chính để có lợi cho các loài động vật hoang dại, thuốc trừ cỏ sử dụng dễ dàng hơn và ít gây hại hơn cho cây trồng chính và từ đó làm tăng năng suất cây trồng. Việc xử lý cỏ dại trở nên linh họạt và “thân thiện” hơn mặc dù chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể kiểm soát chúng hoàn toàn và chính xác từ giai đoạn nảy mầm”, Paul nói.
Dù suy nghĩ đã thay đổi nhưng trang trại của Paul vẫn chưa trồng cây BĐG. Lý do là vì: “Hiện, tại thị trường Anh, không có giống cây BĐG nào có sẵn phù hợp với nhu cầu canh tác của tôi. Cho đến nay, giống cây BĐG duy nhất được chấp nhận canh tác ở châu Âu là Ngô Bt mang tính trạng kháng sâu đục thân. Nhưng đây lại không phải là vấn đề của nông dân trồng ngô tại Anh. Tuy vậy, tôi chắc chắn rằng, nếu có thể, tôi sẽ sử dụng công nghệ BĐG. Chúng tôi nghĩ rằng lợi ích mà các tính trạng BĐG kháng thuốc trừ cỏ áp dụng trên như ngô hay cải dầu thực sự rất lớn. Công nghệ này sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề cỏ dại theo cách thức bền vững và thân thiện hơn với môi trường, khi chúng tôi có thể phun thuốc trực tiếp lên cỏ thay vì sử dụng những loại thuốc phun xuống đất với hiệu quả không ngang bằng”.
Paul cũng cho rằng, trong tương lai, công nghệ BĐG sẽ mang đến tư duy mới về cách thức canh tác và để xử lý các vấn đề cho người nông dân. “Tuy vậy, mức độ nhận thức về điều này hiện chưa cao. Bản thân tôi trước khi tham gia vào hoạt động trồng thử nghiệm, tôi đã không biết thông tin gì về các nghiên cứu khoa học cũng như lợi ích của công nghệ này”, Paul nói.
Có một thực tế là châu Âu vẫn chưa ủng hộ cây trồng BĐG. Lý giải điều này, theo Paul, chủ yếu là do việc lãnh đạo thiếu nhất quán và rời rạc khi đối mặt với các hoạt động phản đối của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Và do đó, các công ty phát triển công nghệ với nguồn lực và chuyên môn tập trung cho việc cải tiến sản phẩm sẽ không đầu tư hàng triệu đô la cho mỗi giống cây trồng khi các nhà làm chính sách không chấp thuận hết lần này đến lần khác. Chúng ta cũng cần tuyên truyền với người dân rằng, họ vẫn đang sử dụng BĐG trong nguồn thực phẩm hàng ngày bởi nó có nguồn gốc từ thức ăn chăn nuôi BĐG.
Để có thể vượt qua các định kiến của châu Âu với cây trồng BĐG, Paul cho rằng, chúng ta cần tiến hành nhiều hơn nữa các chương trình nâng cao nhận thức cho công chúng và nhấn mạnh rằng sử dụng công nghệ sinh học là bền vững đối với môi trường và kinh tế. Đơn cử như nếu mỗi người dân và các nhà chính trị nhận ra rằng khoảng 90% các hộp thịt họ đang mua dùng có nguồn gốc BĐG (do sử dụng thức ăn chăn nuôi BĐG), họ sẽ thấy rằng công nghệ này có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp giảm giá thành thực phẩm. Đối với người nông dân cũng thế, thay vì việc đưa họ đến hội thảo và giới thiệu những bài thuyết trình đầy biểu đồ và các con số lên xuống, hãy để họ được trải nghiệm thực tế, nhìn thấy lợi ích canh tác cây trồng trên đồng ruộng và từ đó tự đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn