Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2014, Thanh Oai tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động này.
Thu nhập cao nhờ giống mới
Vụ mùa 2013, Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI trên diện tích 100ha nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng. Mô hình có sự tham gia của trên 200 hộ nông dân, được tập huấn kỹ thuật đầy đủ theo từng thời kỳ sinh trưởng của lúa, từ làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến thu hoạch. Ông Kiều Văn Quy - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tam Hưng cho biết, năng suất lúa nếp cái hoa vàng đạt khoảng 180 - 190kg/sào, cho lãi từ 2,2 - 2,7 triệu đồng/sào, cao hơn so với cấy lúa Khang dân từ 2,5 - 3 lần.
Mô hình lúa nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Thiện Quang |
Hiện các giống lúa hàng hóa chất lượng cao có diện tích trên 700ha/vụ chiếm gần 10 % diện tích cấy lúa toàn huyện, tập trung ở các xã Thanh Văn, Tam Hưng, Mỹ Hưng, Đỗ Động, Cao Dương, Tân Ước. Ngoài ra, còn có các mô hình trồng hoa ly ở xã Tam Hưng, Bích Hòa, Cao Viên; trồng cam Canh, bưởi Diễn ở các xã ven Đáy như Kim An, Cao Viên, Thanh Mai, Kim Thư cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Để giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, huyện còn tổ chức trình diễn các máy móc cơ giới hóa các khâu làm đất, cấy, gặt… Hàng năm, huyện Thanh Oai đã đầu tư khoảng 7 tỷ đồng cho công tác chuyển giao giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, nhiều giống vật nuôi và mô hình sản xuất mới cũng được huyện đưa vào thử nghiệm như nuôi ba ba, cá chép lai, sản xuất trứng sạch ở xã Liên Châu cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; nuôi gà ri lai thả vườn ở xã Cao Dương; chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại xã Tân Ước... Các tiến bộ trong công tác chọn giống và chăm sóc đã được nông dân áp dụng, nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục hỗ trợ
Thời gian qua, Thanh Oai đã và đang tích cực đẩy mạnh chương trình dồn điền đổi thửa. Đây là điều kiện quan trọng để ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực KHCN còn hạn chế, trong khi việc vay vốn phát triển sản xuất của người nông dân vẫn gặp không ít khó khăn. “Huyện, TP cần có cơ chế hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, nhất là mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người nông dân” - ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Kim An bày tỏ. Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước cho rằng, với tốc độ phát triển đàn lợn và các trang trại hiện nay, cần xây dựng các điểm giết mổ quy mô từ 5 – 10 tấn/ngày trên địa bàn gắn với các nhà máy chế biến giò, chả và xây dựng thương hiệu, giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Để tháo gỡ những vấn đề này, lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, huyện đã định hướng áp dụng KHCN phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng địa phương, với điều kiện và quy hoạch phát triển của từng vùng. Trong đó, việc chuyển giao KHCN cần chú ý đến tổ chức sản xuất, liên kết, thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Tuấn Anh, cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khuyến nông và mở rộng dịch vụ tư vấn KHCN ở nông thôn. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa việc chuyển giao KHCN vào sản xuất dưới các hình thức đa dạng, khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ KHCN ở địa phương. Trong năm 2014, Thanh Oai sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở cả 4 khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc và gặt đập liên hợp.