Hiện các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa HT, với diện tích đã thu hoạch trên 1,6 triệu ha. Dự kiến năng suất lúa bình quân là 5,57 tấn/ha, sản lượng đạt gần 9 triệu tấn.
Tăng trên 820.000 tấn
Đến ngày 21/9, ĐBSCL đã xuống giống lúa TĐ 623.751/662.724 ha kế hoạch, hiện vẫn đang tiếp tục xuống giống ở các tỉnh ven biển. Dự kiến đến hết tháng 9, diện tích lúa TĐ toàn vùng sẽ đạt 659.655 ha, tăng 5.000 ha so cùng kỳ năm 2011. Nếu tính diện tích lúa TĐ do điều chỉnh từ vụ ĐX sớm của tỉnh Long An và từ vụ mùa của tỉnh Bến Tre sang, thì ước diện tích lúa TĐ 2012 toàn vùng ĐBSCL sẽ là 738.200 ha. Diện tích lúa mùa đã được xuống giống ở ĐBSCL là 127.088/199.280 ha kế hoạch, ở Đông Nam bộ là 87.829/168.590 ha kế hoạch.
Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhìn chung trong năm 2012, SX lúa ở Nam bộ vẫn tăng trưởng ổn định về năng suất và sản lượng. Ước tính tổng diện tích lúa tăng thêm 37.000 ha và tổng sản lượng tăng thêm 820.134 tấn so với năm 2011.
ĐBSCL vào vụ mới
Tăng Jasmine, giảm IR50404
Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, vụ ĐX 2012-2013 tại khu vực Nam bộ, diện tích gieo sạ dự kiến là 1,697 triệu ha, năng suất dự kiến 6,78 tấn/ha, sản lượng ước đạt 11,51 triệu tấn. Trong đó, Đông Nam bộ gieo sạ 122.000 ha, năng suất dự kiến 5,57 tấn/ha, sản lượng ước đạt 683.000 tấn. Vùng ĐBSCL gieo sạ 1,575 triệu ha, năng suất dự kiến 6,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10,83 triệu tấn.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2012, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ đầu nguồn có khả năng sẽ xuất hiện trùng với đỉnh triều cường giữa tháng 10. Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, dự báo từ tháng 9 đến tháng 12/2012, sẽ có những đợt rầy di trú vào các thời điểm biến động từ ngày 24-26 tháng trước đến ngày 3-5 tháng sau.
Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt đề xuất thời vụ xuống giống lúa ĐX 2012-2013 trong toàn vùng gồm 2 đợt chính. Đợt 1 từ 20/11-7/12/2012 xuống giống 700.000 ha. Đợt 2 từ 17/12/2012-5/1/2013 xuống giống 600.000 ha. Một số vùng khó khăn về thời vụ có thể kéo dài đến 20/1/2013.
Về cơ cấu giống, Cục Trồng trọt đề xuất như sau: Nhóm giống lúa chủ lực (diện tích trên 30.000 ha/vụ) gồm OM 4900, OM 6976, OM 6162, OM 5451, OM 7347, OM 2517, OM 2395, ML 48, VNĐ 95-20, Jasmine 85, và IR 50404...; Nhóm giống bổ sung (diện tích từ 10.000-30.000 ha/vụ) gồm OM 4218, OM 2395, OM 2717, OM 6561, OM 6600, VD20, ST5, OM 4498, OM 576, OM 2514, OM 5199, OM 5472, OM 4088, OM 6677, OM 1490, OM 3536, TNDB100, OM 8923, ML 202, TH6, BTE1...; Nhóm giống lúa triển vọng (dưới 10.000 ha/vụ) gồm OM 8017, OM 6932, OM 6904, GKG1, OM 9605, OM 8923, MTL 648, OMCS 10434, OM 9921, OM 9915, OM 9854, OM 8018, OM 3673, OM 10434…; Các giống lúa chống chịu phèn mặn trung bình-khá gồm AS 996, MTL 480, OM 2395, OM 2517, OM 5629, OM 5464, OM 8923, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976, OM 6377; Nhóm giống lúa thơm-đặc sản gồm Jasmine 85, VD20, ST5, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9, nếp IR4625, nếp bè và Nàng Thơm Chợ Đào; Nhóm giống cao sản chất lượng cao cho xuất khẩu gồm OM 4900, OM 6976, OM 5451, OM 7347, VND 95-20, OM 2517, OM 6162 và OM 5472. |
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo cao cấp sẽ tiếp tục thuận lợi, do ở những chủng loại gạo này, gạo VN có giá cạnh tranh hơn nhiều so với gạo Thái Lan, mà chất lượng lại cao hơn so với gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan. Xuất khẩu gạo thơm cũng sẽ rất tốt vì chất lượng gạo thơm VN đã rất tốt mà giá lại rẻ hơn nhiều so với gạo thơm Thái Lan.
Còn gạo phẩm cấp thấp, xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn, vì ở thị trường châu Phi, gạo cấp thấp VN không thể cạnh tranh nổi với gạo Ấn Độ về giá cả. Philippines trước đây hầu như chỉ nhập khẩu gạo cấp thấp, nhưng từ khi Chính phủ nước này giao việc nhập khẩu gạo cho các DN tư nhân, thì họ đã đa dạng hóa chủng loại gạo nhập khẩu, nên tỷ lệ nhập khẩu gạo cấp thấp giảm rất mạnh.
Vì thế, ông Bảy đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân tăng gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm và giảm mạnh các giống lúa phẩm cấp thấp.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng các địa phương cần chú ý tăng diện tích giống lúa thơm Jasmine. Địa phương nào có những vùng SX tập trung giống Jasmine thì nên chỉ đạo gắn với CĐML, gắn với việc bao tiêu của DN. Hiện nay, năng suất lúa Jasmine của VN là 7 tấn/ha, còn ở Thái Lan giống này chỉ đạt năng suất 2,2 tấn/ha. VN làm Jasmine đạt năng suất cao mà xuất khẩu với giá trên 600 USD/tấn gạo, thì hiệu quả kinh tế đâu có kém gì so với Thái Lan xuất khẩu tới 1.000 USD/tấn gạo Jasmine nhưng năng suất thấp.
Về giống IR50404, vụ ĐX cơ cấu dưới 30% diện tích là hợp lý. Nhưng vấn đề là ở chỗ nông dân đâu biết được tổng thể việc giống IR50404 trên cả vùng ĐBSCL như thế nào để quyết định có trồng giống này hay không? Ngay cả các địa phương cũng khó mà tính toán được.Vì thế, nhiều năm qua các địa phương cố gò diện tích giống IR50404 xuống, nhưng làm không được. Bởi vậy, từng địa phương phải có chiến lược riêng cho mình.
"Những địa phương không có lợi thế IR50404 như An Giang không nên đưa vào cơ cấu hoặc khuyến cáo nông dân không trồng giống đó. Những vùng nào đã quen trồng IR50404 thì có thể chấp nhận tỷ lệ cao hơn 1 chút, miễn là làm sao tổng diện tích lúa IR50404 toàn ĐBSCL phải dưới 30%. Về mặt nông học, 1 giống không nên chiếm tới 30% diện tích trên 1 vùng lúa. Vừa rồi Thái Lan, Indonesia bị đại dịch rầy nâu, VL-LXL do chỉ trồng có vài ba giống", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngày 25/9/2012 - Theo Tư vấn nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn