Quy trình sinh học khép kín Xây dựng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá chủ lực... là mục tiêu của dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau thực hiện. Dự án triển khai tại hộ anh Diệp Văn Vũ ở ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc (Đầm Dơi). Anh Vũ được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư (con giống, thức ăn...); Công ty cổ phần Thức ăn CP hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi theo quy trình khép kín từ ao ương CPF-Green House đến ao nuôi CPF-Turbo Program. Với 2 ao ương, mỗi ao 1.000m2, anh Vũ thả 800.000 con tôm post của Công ty CP, sau 25 ngày ương, sang ra 3 ao nuôi theo quy trình CPF-Turbo Program. Mỗi ao nuôi 3.500m2 thả 200.000 con (kích cỡ 1,5 g/con). Việc chăm sóc và quản lý môi trường ao nuôi tuân theo quy trình và tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian nuôi 120 ngày, tôm đạt kích cỡ 32 con/kg. Với 3 ao nuôi, anh Vũ thu được 13 tấn, cộng với số tôm còn lại trong 2 ao ương tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, sản lượng 3,6 tấn, tổng thu 16,6 tấn. Với giá bán 132.000 đồng/kg, anh có thu trên 1,9 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 1 tỷ đồng. Ông Châu Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau cho biết: “Quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu xử lý ao đầm, con giống đến môi trường và dịch bệnh. Đây là quy trình VietGAP được triển khai khép kín từ khâu đầu vào và đầu ra của sản phẩm”. Thành công bước đầu Ao nuôi được trải bạt nên trong quá trình nuôi nước không bị đục. Ao rộng 3.500m2, chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng. Do quá trình nuôi xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học và tuân theo quy trình của VietGAP nên giá bán cao hơn thị trường 5.000-8.000 đồng/kg tôm. Ông Trần Tin Tấn, Giám đốc vùng của Công ty cổ phần CP Việt Nam tại Cà Mau, cho biết: Từ thành công ban đầu của dự án, trong vụ tới, công ty sẽ hỗ trợ trình diễn cho khoảng 10 mô hình tại Đầm Dơi. “Năm 2013, Sở sẽ giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ phổ biến nhân rộng mô hình này; đồng thời tìm nguồn kinh phí, liên kết với các công ty thức ăn để hỗ trợ một phần vốn cho người dân thực hiện”, ông Thọ nói. Đây là mô hình có sự liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân hiệu quả. Việc liên kết không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng nông dân phát triển nuôi tôm công nghiệp theo quy trình mới, bền vững, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Diệu Lữ Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn