Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng ở Hà Tĩnh trong những năm gần đây có nhiều phát triển vượt bậc. Tuy nhiên cùng với những thành tựu đó thì vấn đề phát triển nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch và thiếu kiểm soát đang làm cho môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm. Vì vậy quản lý môi trường đang được đặt lên hàng đầu để mang lại hiệu quả cao cho nghề nuôi tôm. "Quản lý cộng đồng vùng nuôi tôm là hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Hà Tĩnh".
Để các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường khu vực nuôi tôm, nhiều vùng nuôi đã thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành chủ quản. Nhiều HTX nuôi trồng thuỷ sản cũng đã được thành lập đưa việc nuôi tôm phát triển có quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hàng chục tổ nuôi tôm cộng đồng và HTX nuôi trồng thuỷ sản. Trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, việc nuôi tôm riêng lẻ theo từng hộ rất khó kiểm soát việc xử lý môi trường.
Mặt khác, nếu không có sự hỗ trợ của tổ nuôi tôm cộng đồng, các hộ sản xuất riêng lẻ khó tiếp cận được với nguồn giống chất lượng, thức ăn, thị trường đầu ra cho sản phẩm...
Khi tham gia vào tổ nuôi tôm cộng đồng, các hộ nuôi thống nhất thả giống cùng một thời gian, cùng một loại con giống và cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như vệ sinh ao hồ, xử lý môi trường nước, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, hội thảo đầu bờ, tham quan các mô hình sản xuất tôm đạt hiệu quả cao, xử lý môi trường tốt....
Các hộ nuôi trong tổ chung sức nhau đầu tư cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật như chung kinh phí xử lý dịch bệnh và cùng nhau dập dịch nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các tổ nuôi tôm cộng đồng đều đã xây dựng những quy định cụ thể về phát triển và bảo vệ sản xuất tại khu vực nuôi tôm. Tình đoàn kết giữa các thành viên trong tổ được nâng cao và xuất hiện nhiều cách làm hay trong việc tương trợ lẫn nhau trong sản xuất. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra thì kịp thời thông tin cho nhau để có biện pháp xử lý đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; đồng thời, các thành viên trong tổ cùng góp kinh phí để hỗ trợ dập dịch cho hộ có tôm bị bệnh.
Tuỳ theo mức độ bị bệnh nặng hay nhẹ mà mức đóng góp này nhiều hay ít nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là sự chung sức này đã sớm tạo thành sức mạnh đẩy lùi được các loại dịch bệnh xảy ra đối với tôm. Tham gia tổ nuôi tôm cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các hộ nuôi cũng được nâng cao bởi họ thường xuyên được trao đổi thông tin về thời tiết, mùa vụ, giá cả thị trường, tình hình dịch bệnh và kinh nghiệm phòng, trị bệnh; phòng, chống thiên tai và bảo vệ tài sản…
Việc thành lập các tổ nuôi tôm cộng đồng còn đạt được mục đích xây dựng thương hiệu vùng nuôi sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thuận lợi trong việc bảo vệ thương hiệu chất lượng sản phẩm cho cộng đồng, nâng cao uy tín sản phẩm, góp phần cùng nhau tạo sức mạnh trong việc bán sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trên thị trường. Mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất được xiết chặt, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn nhờ họ biết tương trợ nhau trong sản xuất, từ đó cũng góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự ở các vùng nuôi tôm trên cát ven biển.
Chi cục NTTS Hà Tĩnh