Bà Ma Thị Lụa ở thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa) cho biết: "Vụ xuân vừa qua, được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã áp dụng thử trên 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) lúa của gia đình. Thực tế sản xuất thấy, sử dụng phân viên nén dúi sâu có nhiều ưu điểm như: Hạn chế được cỏ dại, phân không bị bay hơi và rửa trôi do viên phân được dúi sâu dưới bùn; chỉ bón một lần cho cả vụ; tiết kiệm được ngày công lao động và giảm chi phí phân bón; năng suất tăng so với bón vãi thông thường 30-40 kg/sào". Nếu như vụ xuân 2012, Tuyên Quang chỉ có 12.976 hộ ở 116 xã áp dụng mô hình phân viên nén dúi sâu với diện tích 1.634ha thì đến vụ mùa, toàn tỉnh có gần 30.000 hộ áp dụng kỹ thuật này với diện tích 4.900ha. Xã Minh Hương (huyện Hàm Yên) là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện tiến bộ kỹ thuật này. Anh Hà Văn Hưng, cán bộ khuyến nông của xã cho biết: Nhờ áp dụng phương pháp bón phân viên nén dúi sâu nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi năng suất lại được cải thiện, trung bình đạt 65 tạ/ha, nhiều diện tích đạt trên 70 tạ/ha. Chính vì vậy, nhiều thôn trong xã đã áp dụng kỹ thuật phân viên nén dúi sâu cho 80 - 90% diện tích lúa. Nông dân xã Tân Thịnh (Chiêm Hoá) áp dụng phương pháp bón phân viên nén dúi sâu được 4 vụ, năng suất lúa bình quân trên 6,5-7 tạ/bung (1.000m2). Trước đây, khi chưa sử dụng bón phân viên nén dúi sâu, nhiều diện tích chỉ đạt 5,5-6 tạ/bung. Ông Hà Vĩnh Uý, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Việc đưa kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu vào đồng ruộng không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khuyến khích bà con gắn bó với đồng ruộng". Với kết quả đạt được qua 4 vụ sản xuất, nhận thức và tập quán sản xuất của nhiều nông dân trong tỉnh đã thay đổi. Tin rằng với phương pháp thâm canh lúa mới này sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, phấn đấu đến năm 2014 sẽ có 50% diện tích lúa của tỉnh áp dụng phương pháp này. Vũ Ngọc Tuyên Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn