20:42 EST Thứ sáu, 20/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Khoa học công nghệ


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Thanh long sạch

Thứ hai - 24/09/2012 04:05
Nhiều nông dân các xã Lương Hòa Lạc, Thanh Bình, Tân Bình Thạnh…, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) tham gia trồng thanh long hữu cơ, mang lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng và an toàn môi sinh.

Không khó tiêu thụ

Tại xã Lương Hòa Lạc, đã có khoảng 20 ha thanh long sạch được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT Tiền Giang) cấp chứng nhận và 16 hộ tham gia đang hướng tới SX thanh long VietGAP.

Anh Nguyễn Hồng Hoàng, Tổ phó phụ trách kỹ thuật của tổ hợp tác tại ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc cho biết: “Như anh thấy đó, thanh long của chúng tôi trồng với công thức 70% phân hữu cơ, 30% phân vô cơ cho trái to, bóng, đẹp, cứng, trông bắt mê (đẹp mắt). Còn các anh dùng thanh long, cơm cứng giòn, vị ngọt thanh (ngọt có dư vị chua, không ngọt lạt, bở) thấy đã, phải không?”.

Quan sát vườn thanh long 13 năm tuổi của anh trông còn “rất trẻ” với cành nhánh xanh mượt xum xuê, trái to cứng bóng có màu xanh mượt hoặc đỏ rực, thật ấn tượng.

Nói về quy trình trồng thanh long của các thành viên trong tổ hợp tác, anh Hoàng say sưa diễn giải như một chuyên viên, vừa nắm lý thuyết vừa có kinh nghiệm thực hành: “Cây thanh long nếu được chăm sóc tốt, khoảng 18 tháng là có thể đốt đèn kích thích ra hoa. Mùa nghịch của thanh long bắt đầu từ khoảng mùng 10 tháng 7 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Thường một vụ xông đèn, chúng tôi phải đốt tới 15 đêm. Khoảng 3-6 đêm đốt đèn là cây ra nụ. Từ 21-25 ngày trổ bông. Tuy quá trình thụ phấn chỉ vài giờ, nhưng vào tháng mưa, chúng tôi phải chịu cực là “úp ly cho bông” (lấy ly nhựa trong, úp gọn bông lại) để chống mưa làm mất khả năng thụ phấn. Sau hơn tháng, khoảng 32-35 ngày ra bông, có thể thu hoạch”.

Anh Hoàng cho biết thêm: “Một năm chúng tôi làm 3 vụ nghịch chủ lực, còn chính vụ cây cho trái không đáng kể. Với diện tích 1 ha, có thể kiếm 35-40 tấn/năm. Bình quân mỗi vụ cầm chắc 10 tấn. Với uy tín SX, chúng tôi có hàng, dù bao nhiêu, cũng không sợ ế ẩm. Có những mối quen đến thu mua hết. Nói vậy, cũng có điều đáng lo là vẫn chưa tìm được DN hợp tác bao tiêu sản phẩm sạch, mà còn phải lệ thuộc thương lái, nên giá cũng đôi khi lên xuống thất thường”.

Theo ông Đoàn Minh Trung, thành viên của tổ hợp tác: “Thời buổi thông tin hiện nay, chúng tôi cũng nắm được giá cả. Về giá cả, mối quan hệ giữa người mua kẻ bán tương đối hài lòng. Giá lên xuống tương đối hợp lý; cũng không đến mức họ ra giá để ép chúng tôi. Như hôm nay, giá hàng cơi (hàng nhất) này là 11.000 đ/kg. Còn xuống 1 mức, giá khoảng 9.000-10.000 đồng”.

Để được “trái cơi” (hàng nhất có trọng lượng 800 g/trái), phải lựa bông tốt, to khỏe để lại cho trái. Cần khoảng 35-40 bông/trụ; bông dư lặt bỏ để không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Có những lúc hút hàng, giá cũng leo đến 18.000 đ/kg. Nhưng chỉ cần với giá trung bình, người trồng thanh long hữu cơ trừ chi phí cũng có thể kiếm lời 50 triệu/ha/vụ. Năm thu 3 vụ cầm chắc 150 triệu đồng.

Quy trình SX sạch

Nói về việc kỹ thuật chăm sóc, ông Hoàng cho biết: “Để bón phân hữu cơ, chúng tôi dùng phân chuồng, chủ yếu là phân gà công nghiệp. Phân này được ủ khoảng 6 tháng, sau mới trộn nấm “Tricho” của Trường ĐH Cần Thơ rồi đem rải. Ngoài ra, chúng tôi có dùng thêm chế phẩm lân hữu cơ cao cấp, khoảng 750 kg năm/1 ha/3 vụ. Mỗi năm chúng tôi bón phân 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Riêng lân cao cấp thì xong vụ bón 25 kg/vụ/công. Phân hữu cơ, chúng tôi bón 1 năm từ 15-20 tấn/ha trộn với 1 tấn vôi, 1 tấn supe lân và khoảng 10 kg nấm đối kháng (Tricho)”.

Còn phân vô cơ, phân NPK chuyên dùng của Đức, chỉ sử dụng khi cần. Nếu thấy cây yếu do thời tiết thì mới dùng, không thì thôi. Tối đa, chỉ bón cho mỗi vụ 15 kg/công và thay đổi công thức tùy yêu cầu: Nếu muốn tăng đạm, theo công thức 20-20-15; còn để tăng phẩm chất trái thì theo công thức 15-5-20.

 Những lần bón phân được ghi chép cẩn thận. Đặc biệt, đảm bảo tránh xa vụ thu hoạch tối thiểu 15 ngày. Nói chung, sử dụng phân hữu cơ vừa không hại môi trường, tốt cho cây và năng suất, chất lượng trái, vừa giảm được chi phí SX. Tính chung, tiền phân mỗi năm khoảng 17 triệu đồng/ha.

Trồng thanh long sạch, một vấn đề chưa được thống nhất trong giới làm vườn là vấn đề cỏ. Theo vợ chồng anh Hoàng, cỏ có lợi, không hại nên cần phải biết “quản lý cỏ”, không nên diệt cỏ.

Chị Nguyễn Thị Học, vợ anh Hoàng cho rằng: “Cây trong rừng, không ai rải phân, nhưng vẫn tốt. Được vậy là vì lá, cỏ mục làm cây tốt; chúng nuôi cây rừng. Chúng tôi trồng và mê thanh long nên cũng mê cỏ. Cỏ có ít, nếu biết cắt cỏ đắp lại gốc. Chúng tôi không diệt cỏ. Vì như vậy sẽ làm hại môi trường đất, làm đất khô cằn không tốt cho cây.

Còn đó những khía cạnh khoa học cần được các nhà khoa học, nhà quản lý giúp nhà nông làm chủ được quá trình SX của họ. Nhưng mô hình canh tác dựa vào khoa học trên cơ sở nắm bắt quy luật tự nhiên sẽ giúp nhà nông SX ra nông sản sạch và chắc rằng sẽ làm yên tâm giới tiêu dùng mà thúc đẩy thị trường.

Nhờ có cỏ chống được xói mòn, giữ ẩm cho gốc cây; rễ cỏ là những mao mạch trong đất giúp nước thấm, thoát tốt. Mặt khác, nhờ có môi trường cỏ được quản lý không tranh sáng với cây, chúng tôi có được môi trường tốt dẫn dụ thiên địch về trú ngụ, góp phần bảo vệ cây, không phải dùng thuốc”.

Theo người trồng thanh long, thảm cỏ dưới mỗi trụ thanh long là nơi sinh sống của trùn (giun), những chiếc máy xới tự nhiên và rễ cỏ luôn làm cho đất tơi xốp. Chị Học nói tiếp: “Như các anh thấy, vườn chúng tôi có một thảm cỏ được cắt định ký 3-4 lần/năm, bằng “máy cơm” (sức người), nên tôi nghĩ, thanh long của chúng tôi trồng, dù “20 năm vẫn xài tốt”, nói chi 13 năm mà không “trẻ quá”! Nhờ thảm cỏ vườn và sử dụng phân hữu cơ, còn có cả cóc đến sinh sống”.

Anh Hoàng và anh Trung, cùng các thành viên tổ hợp tác cũng thống nhất quan niệm này. Ý kiến cho rằng, để cỏ bón phân, cỏ sẽ tranh phần, làm mất đi lượng phân bón. Họ không nghĩ như vậy: “Phân chỉ mất đi, khi chúng ta diệt cỏ, hoặc cắt cỏ mang đi nơi khác. Còn để lại gốc thì cỏ sẽ trả lại phân cho gốc”.


Thach Thảo - Lê Hoàng Vũ
Nguồn:nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 118


Hôm nayHôm nay : 52734

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 877400

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72560109