Nông nghiệp sạch nhìn từ Dongshan
Trở về sau chuyến khảo sát thực tế tại đảo Dongshan, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), Tổng giám đốc công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) Dương Tất Thắng lại càng có cơ sở tin tưởng vào sự thành công của đề án cải tạo vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển sẽ được Mitraco triển khai tại xã Thạch Văn (Thạch Hà).
Đoàn cán bộ tỉnh đi khảo sát, nghiên cứu các điều kiện sản xất nông nghiệp tại Dongshan |
Ông Thắng cho biết, khi đến Dongshan, ông và các thành viên trong đoàn khảo sát của tỉnh hết sức ngỡ ngàng, thán phục bởi người dân nơi đây đã biến cả vùng cát hoang ven biển thành vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú với các loại rau, củ, quả đang được trồng trên các vùng đất cát của đảo. Các loại cây trồng bao gồm: măng tây, củ cải trắng, cải bẹ, cải bắp, hành lá, cà rốt, hành tây, khoai lang. Không chỉ có các loại rau, củ, người dân nơi đây còn trồng bạt ngàn các loại cây ăn quả như: đào tiên, nhãn, vải thiều… 100% sản phẩm nông nghiệp ở đây được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hông Kông, Đài Loan và thị trường Âu, Mỹ.
“Tất cả các vùng trồng trọt được trang bị hệ thống tưới phun tự động, được kết nối với các hồ nước lân cận. Do đó, đất cát có thể được liên tục được phun để giữ độ ẩm và chất dinh dưỡng. Ngoài ra nông dân vùng Dongshan thường để xác cây lại trên đất nông nghiệp hàng năm và khi chúng khô héo, thối rữa sẽ giàu thêm chất dinh dưỡng và tăng khả năng giữ nước của đất. Đây cũng chính là một phần của quá trình cải tạo đất hoang hóa, bạc màu sang đất nông nghiệp của dự án cải tạo đất ven biển” – ông Thắng kể.
Dự án Khu công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả tại xã Thạch Văn do Mitraco và Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông) phối hợp, liên doanh xây dựng trên nền tảng ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển đảo Dongshan, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) vào khu vực đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh.
Mô hình đầu tiên được triển khai tại xóm Tân Văn, xã Thạch Văn (khoảng 10 ha) nhằm tạo ra sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ an toàn, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đồng thời chống hoang mạc hóa. Theo kế hoạch, thời gian khởi động dự án vào tháng 9/2013 với các loại cây trồng: măng tây, củ cải, cà rốt, hành tây, khoai lang và lạc.
Tiếp cận khoa học trong sản xuất nông nghiệp
Theo khuyến nghị từ các chuyên gia Fineton, tại vùng đất cát bạc màu Thạch Văn có thể trồng thử các loại rau, củ khác nhau và cây ăn trái. Bản chất đất cát có thể cũng là một lợi thế cho mô hình hoạt động thủy lợi tưới phun vì đất cát sẽ thoát nước một cách nhanh chóng, tránh được hiện tượng rễ thối do nước tích lũy quá mức trong đất.
Để nhanh chóng cải thiện khả năng sinh trưởng của đất cát, trong quá trình sản xuất sẽ tăng cường việc thu gom chất thải hữu cơ trong khu vực lận cận kể cả chất thải chăn nuôi, chất thải thực vật và bùn để sản xuất phân bón hữu cơ. Sử dụng phân hữu cơ cũng là gải pháp bền vững nhằm xử lý rác thải và các vấn đề về ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn hiện nay.
“Điều quan trọng nhất trong thực hiện dự án này là người dân địa phương sẽ được tiếp cận các loại giống cây trồng năng suất cao và công tác cải tạo đất, điều hành, quản lý trong sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp khoa học mà chúng tôi đã tích lũy từ hàng chục năm nay” – Giám đốc công ty Fineton Eric Lo cam kết.
Theo các chuyên gia của công ty Fineton, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Thạch Văn có nhiều điểm thuận lợi hơn về chất đất, về lượng mưa (hằng năm 2.500 - 3.000 mm; Dongshan đạt trên 1.500 mm), mùa đông nhiệt độ thấp nhất không quá dưới 11 độ (Dongshan xuống dưới 4 độ) nên việc thực hiện dự án này sẽ rất khả thi.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và đoàn khảo sát vùng dự án tại xóm Tân An, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. |
Tổng giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng cho biết, dự án sẽ thực hiện theo mô hình khép kín, dự kiến 20%- 30% sản phẩm sẽ cung ứng cho thị trường nội địa, còn lại là phục vụ thị trường xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan thông qua hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Fineton. Vì vậy, trong chuyến khảo sát vừa qua, đoàn khảo sát của tỉnh cũng đã đến Hồng Kông để điều tra thị trường và đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp Việt Nam tại khu vực này. Qua khảo sát thị trường Hồng Kông cho thấy các sản phẩm nông nghiệp: rau, củ, quả và thủy, hải sản đều có giá cao hơn nhiều lần so với giá ở Việt Nam. Và đây sẽ là thị trường tiềm năng để các sản phẩm nông nghiệp “made in Thạch Văn” cạnh tranh ở thị trường Hồng Kông.
Tại các buổi làm việc với chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan để triển khai dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã khẳng định, việc cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển để phát triển sản xuất thực phẩm xanh là vô cùng quan trọng và cần làm ngay. Dự án này là bước đột phá lớn, nhằm hình thành ngành nghề sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao, giải quyết việc làm, giúp người dân vùng dự án thoát nghèo bền vững. Từ đó, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa theo hướng gia tăng hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng của tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn