Anh Nguyễn Hữu Toàn với cây quýt đường của gia đình
Năm 1995, anh Toàn (1966) từ tỉnh Phú Yên vào ấp Thạch Màng lập nghiệp. Dồn hết vốn tích cóp anh mua 4 ha đất canh tác. Do đất bằng phẳng, gần nguồn nước nên anh cất nhà ở để tiện chăm sóc. Năm đầu anh trồng 2 ha cà phê, 2 ha điều. Khi cà phê cho thu hoạch thì rớt giá, làm ăn thua lỗ, anh chặt bỏ cà phê trồng điều. Vì trồng điều ở triền đất thấp, độ ẩm cao nên lúc nhỏ thì cây điều phát triển khá tốt nhưng trưởng thành thì tỷ lệ đậu trái thấp. Giá hạt điều lên xuống thất thường, được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa. Năm 2000, anh chặt bỏ 8 sào điều trồng thử nghiệm cây quýt đường. Do chăm sóc đúng quy trình, quýt đường phát triển tốt và cho năng suất cao. Năm 2014, anh mở rộng quýt đường lên 3 ha và trồng xen cam sành. Anh cho biết: “Quýt đường dễ trồng nhưng phải đủ nước tưới vào mùa khô. Mùa mưa phải làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng. Muốn cây ra bông đậu trái đúng thời vụ, người trồng phải dùng kỹ thuật ngưng nước. Vào mùa khô ngưng nước khoảng 3 tuần, mùa mưa dùng bạt phủ dưới đất và tạo rãnh để thoát nước. Sau 3 tuần ngưng nước, cây có dấu hiệu héo lá thì tưới đẫm nước trở lại trong 3 ngày liên tục và kết hợp bón phân. Khoảng 1 tuần, cây sẽ ra đọt non và bông. Để cây cho năng suất và chất lượng cao cần bón đầy đủ và hợp lý phân bón, nhất là thời kỳ ra đọt non, bông và đậu trái”.
Anh Toàn chủ yếu bón phân hữu cơ vi sinh, 2 tháng bón một lần, pha hỗn hợp giữa lân, kali, đạm bón vào gốc rồi tưới cho phân ngấm đều vào đất. Khi quýt đường còn nhỏ thì lấy rơm rạ, lá cây, cỏ... lấp vào gốc nhằm giữ độ ẩm cho đất. Khi cây nuôi trái phải tưới đủ nước hàng ngày. Nếu cây ra nhiều trái thì phải tỉa bớt để tập trung dinh dưỡng nuôi trái to và đều. Muốn cây tiếp tục cho năng suất cao ở các vụ sau, thu hoạch xong phải vệ sinh vườn, bón phân và cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho cây, giúp cây phục hồi. Theo anh Toàn, người trồng quýt phải thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của từng cây để bổ sung dinh dưỡng cho hợp lý. Người có kinh nghiệm thì quan sát màu sắc lá cây quýt đường là biết cây đang thiếu chất gì. Khó khăn nhất trong việc chăm sóc quýt đường là cây thường bị bệnh vàng lá gân xanh mà chưa có thuốc đặc trị. Khi cây bị bệnh này thì phải chặt bỏ, khử trùng đất để tránh lây lan. Từ khâu chọn cây giống đến chăm sóc phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt, cây giống phải xanh tốt, không bị bệnh, khi trồng phải tạo đất tơi xốp, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, khi tưới nước phải tưới từ ngọn đến gốc để rửa cây, hạn chế sâu bệnh phát triển. Khi cây chuẩn bị ra chồi non, anh xịt thuốc tạo tán bằng thuốc trừ sâu và thuốc dưỡng để bảo vệ chồi non, xịt thuốc 3 lần liên tục, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày để cây phát triển cành và tán.
Đầu năm 2015, 8 sào quýt đường đã cho thu hoạch 4 tấn trái, với giá bán tại vườn 20 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu 80 triệu đồng. Dự kiến một năm 8 sào quýt đường cho thu hoạch 3 đợt với năng suất khoảng 10 tấn (tương đương 200 triệu đồng). 3 năm sau, hơn 2 ha quýt đường mới trồng sẽ cho thu hoạch, với giá hiện nay, mỗi ha cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Với 3 ha quýt đường gia đình anh thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Triển vọng từ cây quýt đường là rất lớn. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các ngành chức năng, nông dân muốn trồng quýt đường phải nghiên cứu kỹ địa hình và thổ nhưỡng, không nên phát triển ồ ạt mô hình này, nhất là ở những vùng đất không thích hợp nhằm tránh tình trạng trồng rồi lại chặt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn