Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho nông dân xã Định Thành, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Hằng năm bà con có nguồn thu ổn định từ 60 - 80 triệu đ/ha từ mô hình này.
Đầu năm 2013, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải triển khai xây dựng dự án cánh đồng tôm lớn trên diện tích 83 ha với sự tham gia của 43 hộ dân ở ấp Cây Giá, xã Định Thành. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình được đánh giá thành công ngoài mong đợi.
Ông Dương Minh Đoàn, ngụ tại ấp Cây Giá, xã Định Thành có 2,6 ha đất nuôi tôm, là một trong những thành viên tiêu biểu của Tổ hợp tác Tiền Phong thực hiện mô hình cánh đồng tôm lớn cho biết: “Chúng tôi tham gia mô hình được hỗ trợ 40% kinh phí và được tập huấn kỹ thuật. Tôm sú được thả nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước.
Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải: "Đông Hải đột phá trong SX để nâng cao thu nhập cho nông dân. Để đẩy mạnh SX, huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT theo dõi chặt chẽ lịch thời vụ và dự báo tình hình khí tượng thủy văn nhằm giúp bà con chủ động SX; tăng cường tập huấn khuyến nông, khuyến ngư. Thành công của huyện trong lĩnh vực SX nông nghiệp phải kể đến mô hình cánh đồng tôm lớn, nuôi cá sấu, ba ba, sò huyết...". |
Làm theo mô hình này năm rồi ai cũng trúng mùa, lời từ 60 - 80 triệu đ/ha/năm. Riêng gia đình tôi, trong năm rồi thu được khoảng 250 triệu đ/2,6 ha, trừ hết chi phí còn lãi 180 triệu”.
Ông Võ Ngọc Cẩn cùng ở ấp Cây Giá, xã Định Thành có 2,8 ha đất nuôi tôm theo mô hình này cho biết: "Sau 3 tháng thả nuôi vừa thu hoạch được 145 kg tôm sú, bán giá 190.000 đ/kg (loại 30 con/kg) và 45 kg cua, bán giá 160.000 đ/kg, tổng thu hơn 120 triệu đ".
Về phương pháp nuôi, ông Cẩn chia sẻ: "Bên cạnh những yếu tố kỹ thuật cơ bản như thiết kế và gia cố bờ bao xung quanh ao nuôi vững chắc chống rò rỉ nước, cần quan tâm đến các yếu tố môi trường như độ pH, độ mặn, độ kiềm... Định kỳ kiểm tra theo dõi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi để kịp thời khắc phục xử lý dịch bệnh ngay từ đầu.
Sử dụng các chế phẩm sinh học 15 ngày/lần để giúp cải tạo nguồn nước, chỉ cấp nước vào khi triều cường lên cao, chỉ tháo nước ra khi thật sự cần thiết và có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Lưu ý, sau khi hoàn thành cải tạo và tiến hành thả tôm, hằng tháng phải thả dặm thêm để duy trì nguồn thu đều. Với diện tích 2,8 ha, mỗi tháng tôi thả bồi thêm 20.000 con tôm sú giống”.
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: "Đến nay dự án cánh đồng tôm lớn đã được mở rộng ra 4/5 ấp của xã Định Thành với diện tích 200 ha. Theo quy hoạch của huyện, mô hình cánh đồng tôm lớn là 260 ha, tập trung ở 2 xã Định Thành và Long Điền Tây. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình người dân thấy có hiệu quả cao nên đã đầu tư làm theo đến nay diện tích tăng lên 380 ha".
Thành công trong dự án này ngoài các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP còn có sự liên kết “3 nhà” (nông dân, Phòng NN-PTNT và Cty Thiên Phú). Dự án cánh đồng tôm lớn triển khai đã làm thay đổi tập quán SX của người dân, chuyển từ hình thức nuôi nhỏ lẻ sang hình thức tổ hợp tác. Đặc biệt, giúp cải thiện môi trường, hạn chế việc cải tạo vuông bằng máy khoan bùn đổ ra sông.
Trên cơ sở đó huyện tiến tới tiếp tục mở rộng mô hình nuôi tôm nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn