Về Tân Thịnh, một trong tám xã vùng sâu của huyện Văn Chấn, ngút tầm mắt là mầu xanh của chè. Tháng 5 là thời điểm bước vào mùa mưa cũng là mùa chè đang kỳ nảy chồi, các búp non đều tăm tắp. Tân Thịnh là xã có đông đồng bào Tày sinh sống. Năm 1974, xã đón nhận người dân Thái Bình lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Nhờ chịu khó làm ăn, cho nên vùng đất vốn màu mỡ này đổi thay nhanh chóng. Trên khắp các thôn, bản Khe Nhừ, Khe Ngủ, Khe Hả, Khe Ma, đâu đâu cũng bao phủ một mầu xanh của chè. Nhiều nhà xây mái ngói đỏ tươi kề bên các ngôi nhà sàn truyền thống, người dân phấn khởi chung tay xây dựng đời sống mới.
Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh Trần Văn Dĩnh cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 400 ha chè, chủ yếu là giống LDP1, LDP2, bát tiên, phúc vân tiên; có hai công ty, một HTX và một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh, chế biến chè. Nhờ có chất đất tốt, mưa nhiều, nóng ẩm, người dân có truyền thống làm chè và thâm canh cao, cho nên hằng năm thu hơn 2.400 tấn búp chè. Giá bán búp tươi hiện là 4.500 đồng/kg, người dân thu lãi hơn 10 tỷ đồng từ cây chè, đời sống nhiều gia đình thâm canh chè khá lên nhiều so với trước. Ngoài ra, nhờ giao thông thuận lợi, búp chè tươi hái từ đồi được đưa thẳng vào các nhà máy chế biến, tránh hao hụt, sản phẩm không bị hấp hơi, ảnh hưởng chất lượng. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn mở thêm một phòng giao dịch tại xã, thuận lợi cho người dân đến vay vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông cụ sản xuất chè. Với gần 140 tỷ đồng dư nợ trên địa bàn, người dân Tân Thịnh có đủ nguồn lực để thâm canh cây chè đạt chất lượng cao.
Năm 2017, toàn huyện Văn Chấn sản xuất được 17.629 tấn chè thành phẩm, nộp ngân sách 21 tỷ đồng, người dân bán được giá với hơn bốn nghìn đồng/kg chè vùng thấp, hơn 20 nghìn đồng/kg chè shan tuyết. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Nông trường Liên Sơn Lê Ngọc Sơn phấn khởi: Năm vừa rồi, người dân thu hái được hơn 7.000 tấn búp, sản phẩm làm ra được nhà máy thu mua ngay tại nương chè, mang lại thu nhập cho người dân gần 30 tỷ đồng. Nhờ có thu nhập ổn định, người dân tự đóng góp làm đường bê-tông, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, nhà văn hóa ở khu dân cư, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt...
Bên nương chè đầu vụ búp lên mơn mởn, chị Lò Thị Chiền, bản Co Hả 1, xã Thạch Lương nhanh tay hái lứa chè xuân bắt chuyện: Nhà mình có hơn ba sào chè, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn dùng phân gà, lợn bón tủ gốc chè sau khi vụ chè ngủ đông, cộng với bón thúc sau khi thu hái mỗi lứa xong, cho nên năng suất chè cao, mỗi ha đạt đến gần 40 tấn. Cái hay là dùng phân hữu cơ đất không bị chai, thời tiết mưa nhiều, có năm hái được sáu lứa. Hiện nay, nhiều nơi người dân đã dùng máy hái chè thay cho cách hái thủ công, dùng máy mi-ni làm đất và bón phân giữa các luống chè, giúp nông dân đỡ vất vả hơn trước.
Ðối với cây chè Văn Chấn, có thời gian giá chè búp xuống thấp quá, người dân đã phá chè chuyển sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp... Trước tình hình đó, UBND tỉnh Yên Bái đã lập Ðề án phát triển cây chè giai đoạn 2016 - 2020, theo đó, tập trung trồng gần 3.400 ha cây chè ở các huyện vùng cao, trong đó có 800 ha chè shan tuyết trồng mật độ cao với 16 nghìn bầu/ha tại xã Gia Hội, Nậm Búng; đồng thời đưa các vùng chè shan tuyết tại các huyện Suối Giàng, Phình Hồ, Suối Bu, Sùng Ðô, Nậm Mười... phát triển gắn với du lịch sinh thái. Tại những vùng chè này, du khách vừa có cơ hội khám phá rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có gốc cây hai người ôm và tán rộng hàng chục mét, vừa được trải nghiệm cùng người dân trèo cây hái chè. Thêm nữa, du khách còn được thưởng lãm cách pha, dùng chè cầu kỳ từ tay thiếu nữ Mông trong tiết trời se lạnh ở độ cao hơn 1.000 m, nâng chén nước chè sóng sánh như mật ong rừng, nhấp từng ngụm nhỏ có cảm giác vị ngọt, thơm quyện đọng nơi đầu lưỡi...
Cây chè bén duyên đất Văn Chấn. Cộng đồng người Kinh, người Tày, người Thái càng thêm gắn bó, nhiều cặp đôi khác dân tộc đã hạnh phúc bên nhau cùng làm chè, làm lúa, cùng xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp.
Theo Thanh Sơn/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn