Đó là chàng thanh niên Trần Công Bảo (31 tuổi, ở khối Thiết Ðính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Anh Bảo là một trong số ít thanh niên ở Bồng Sơn đi lên trong phong trào “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác”, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương xứng đáng được các bạn trẻ học tập.
Không để lãng phí tài nguyên
Vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, học chưa hết lớp 7 thì Bảo phải nghỉ học để theo cha mẹ đi rừng, phát rẫy phụ cha mẹ để mưu sinh.
Theo anh Bảo, cha mẹ anh có trên 3,4 ha đất đồi gò đang trồng cây điều và keo lai. Song, thời điểm đó cây keo lai mới bắt đầu phát triển, còn cây điều đã “hết thời” nên nguồn thu nhập của gia đình không có.
Năm 2005, khi đó Bảo 18 tuổi, trong khi bạn bè anh đang nghĩ tới một tương lai tươi sáng là bước chân vào ĐH, CĐ hay trường nghề thì Bảo lại nghĩ đến việc tạo lập kinh tế riêng cho mình.
Sau nhiều trăn trở về việc làm sao không để “lãng phí” trên 3,4 ha đất tự nhiên của gia đình nằm sát bên hồ Thiết Đính, anh Bảo nghĩ đến làm mô hình kinh tế trang trại.
Sau khi tìm hiểu trên sách báo, tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương, anh lên phương án cải tạo diện tích đất đồi gò của cha mẹ theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VACR).
Ban đầu, do vốn không có anh phải làm dần từng bước theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Từ tiền bán keo lai, anh cùng cha mẹ đầu tư nuôi vịt đẻ, nuôi gà thịt thả vườn, nuôi bò. Bên cạnh đó, việc đa canh các loại rau, cây ăn quả ngắn ngày ở sát bờ đập Thiết Đính bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Sau đó, anh đầu tư kéo đường ống dẫn nước dài gần 1 km từ suối Hố Chậu về nhà để trồng 200 trụ tiêu và tưới cho các cây trồng khác. Hiện nay, anh Bảo còn sở hữu hơn 3ha keo lai, đã cho khai thác luân phiên hàng năm cho thu hoạch từ vài chục triệu đồng.
Tận dụng mặt nước hồ nuôi cá điêu hồng
Ngoài lợi thế đất gò đồi của gia đình, cha mẹ anh và 6 hộ dân khác cùng trúng thầu nuôi cá tại đập Thiết Đính (ở khối Thiết Ðính Bắc, thị trấn Bồng Sơn) với tổng diện tích mặt nước rộng gần 28 ha. Diện tích hồ lớn nhưng hiệu quả khai thác kém, lại thường xuyên bị thất thoát cá nuôi vì nước lũ hay tràn vào đập, nạn khai thác trộm… nên thu nhập từ nghề nuôi cá tại đây không cao. Lúc này, trong đầu Bảo lại lóe lên ý tưởng phải tận dụng diện tích mặt nước trong hồ để nuôi cá lồng.
Theo anh Bảo, trước khi bắt tay vào nuôi cá điêu hồng, anh có thời gian nuôi cá cho một số hộ dân trong vùng. Mặc dù học hỏi được chút kinh nghiệm nhưng để chắc chắn hơn, anh tiếp tục đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tại nhiều địa phương trong tỉnh.
“Bước đầu, tôi vay vốn từ Quỹ tín dụng Bồng Sơn và vay mượn thêm trong gia đình, đầu tư gần 40 triệu đồng xây dựng 1 lồng nuôi cá điêu hồng (mỗi lồng có 4 ô, tổng diện tích gần 150m2) trên hồ Thiết Đính. Sau gần 5 tháng nuôi, lứa cá đầu tiên tôi thu lãi gần 10 triệu đồng”, anh Bảo phấn khởi kể.
Các vụ cá tiếp theo anh Bảo đều có lãi. Năm 2010, không những anh trả hết nợ mà anh đầu tư phát triển thêm 1 lồng (gồm 4 ô) nuôi cá điêu hồng. Hiện nay, mỗi lứa anh Bảo nuôi từ 6 - 8 ô cá điêu hồng, thu lãi ròng trên 50 đến 60 triệu đồng/năm.
“Nuôi cá điêu hồng trong lồng rất hiệu quả bởi đây là loài dễ nuôi, mau lớn, thời gian nuôi ngắn và cá ít bị dịch bệnh. Đồng thời, nuôi trong lồng nên việc chăm sóc cá, vệ sinh lồng cũng khá dễ dàng.
Tuy nhiên, loài cá này rất nhạy cảm với thời tiết khi chuyển mùa, mưa giông tảo phát triển, cá ăn vào thường mắc bệnh đường ruột. Song, việc xử lý cũng đơn giản chỉ cần dùng vôi bột treo 4 góc lồng nuôi và dùng thuốc cho cá ăn để trị đường ruột”, anh Bảo chia sẻ.
Theo anh Bảo, dự định sẽ đầu tư thêm lồng nuôi cá. Ngoài ra, anh Bảo còn đang nuôi thử nghiệm các loại cá chép Nhật Bản để làm cảnh.
Doãn Công/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn