Anh Nguyễn Hoài Văn, khu 8, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên cho biết: gia đình anh có khoảng 20 lồng nuôi cá bằng tre và sắt. Đối với lồng sắt, gia đình phải đầu tư khoảng gần 20 triệu đồng/lồng, còn lồng tre khoảng gần 10 triệu đồng/lồng. Nhờ thả nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá trắm, rô phi, cá diêu hồng, cá lăng nên gia đình anh có thu nhập ổn định với mức lãi khoảng gần 40 triệu cho một vụ cá khoảng 5 - 6 tháng.
Ở Phú Thọ không chỉ gia đình Nguyễn Hoài Văn mà nhiều hộ dân sống tại vùng ven các sông, hồ, đập trên địa bàn đã thoát nghèo khi áp dụng mô hình nuôi cá lồng theo kỹ thuật mới. Đây là mô hình được Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ hướng dẫn và nhân rộng trong toàn tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ Nguyễn Mạnh Phúc cho biết: đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 105 lồng nuôi cá theo kỹ thuật mới tập trung tại các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm khuyến khích người dân tham gia nuôi cá lồng. Dự kiến cuối năm 2013 sẽ đạt khoảng 150 lồng nuôi.
Cũng theo ông Phúc, Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Đà, sông Lô và nhiều sông ngòi khác như sông Bứa, sông Chảy, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me và có trên 600 hồ chứa. Với tổng diện tích mặt nước ao, hồ, đầm và ruộng trũng trên 14.000 ha, tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển thuỷ sản. Việc tận dụng diện tích sông, hồ tự nhiên để nuôi cá thương thẩm là hướng đi mới giúp người nông dân Phú Thọ thoát nghèo.
Sau gần 2 năm triển khai mô hình, các gia đình nuôi cá lồng trên sông đều thu hoạch 6 - 8 tấn/lồng trên mỗi chu kỳ nuôi từ 5 - 6 tháng. Đối với lồng nuôi trong hồ chứa cũng cho năng suất 4 - 5 tấn/lồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn