Gian nan ban đầu
Học làm nông cũng đâu dễ dàng, chưa kể giá cả bấp bênh, lúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Lúc đầu trở về làm nông cũng rất khó khăn, kiến thức nông nghiệp không có, anh phải vừa làm vừa học, nhiều lúc cố gắng làm ra được sản phẩm thì giá quá rẻ, không đủ chi phí đầu tư, vợ chồng anh phải tự cắt hàng mang ra chợ đêm Đà Lạt bán, mong thu hồi vốn, nhưng cũng không dễ chút nào, lúc được lúc mất. Nhiều lúc phải ngậm đắng nuốt cay, nhổ bỏ hoặc cày vùi vào đất làm phân bón. Tuy nhiên, không vì thế mà anh nản lòng, nghĩ đến gia đình, công ơn cha mẹ, anh đã cố gắng đeo bám nghề nông. Trồng hết rau rồi lại trồng hoa, luân canh hết loại này sang loại khác, cứ thế hết vụ này qua vụ khác, lúc được lúc mất; đất ngày càng ô nhiễm và tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh hại hơn nên việc canh tác và phòng trừ sâu bệnh ngày càng khó khăn, anh phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn, nhưng sản phẩm cũng không đạt. Có năm anh đã đầu tư chăm sóc vườn hoa tết mong kiếm ít lời bù đắp cho những thiệt hại của những lần thất bại, thế nhưng, một lần nữa anh lại phải nhổ bổ vườn hoa cúc đang một màu vàng rực rỡ tô điểm màu tím, màu đồng và trắng tinh khiết vì giá quá rẻ không bán được hoặc có bán thì cũng chẳng đủ chi phí công thu hoạch, vì vậy anh đành phải tranh thủ nhổ bỏ để cày đất chuẩn bị cho ra tết xuống giống loại cây trồng khác. Đó cũng là thực trạng mà người dân trồng rau hoa thành phố Đà Lạt nói riêng và nông dân Lâm Đồng nói chung phải đối mặt bao năm nay.
Kết quả bước đầu từ những cố gắng
Anh nghĩ mình không thể thất bại mãi được, thế là anh cố gắng tìm học để mong có hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra được sản phẩm an toàn. Được sự giúp đỡ và động viên của mọi người, đặc biệt là tư vấn về kỹ thuật của anh Hậu, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt ngọt (ớt chuông) trên giá thể.
Đến nay vườn ớt xanh tốt, cây nào cũng đang gần chục trái to nặng trĩu, anh phải dùng dây giăng lưới đỡ để cây không bị gãy cành. Anh Quang cho biết: “Mới đầu nghe nói trồng cây trên giá thể anh nghĩ là sẽ tốn kém nhiều, đầu tư công nhiều nhưng hiệu quả chưa biết thế nào, bởi vì lúc đó trong vùng chỉ mới có một hai hộ mới làm nên cũng chưa đánh giá được, hơn nữa bản thân cũng không có kỹ thuật nên rất ngại đầu tư… , nhưng rồi tôi cũng quyết định đánh cược với chính mình, tôi đã đầu tư mua sắm nguyên vật liệu cần thiết để trồng cây trong giá thể, tôi cùng anh Hậu tự mua các vật tư về rồi lắp ráp hệ thống tưới phân tự động và quyết định trồng cây ớt ngọt vì cây ớt ngọt nếu được giá và cây tốt thì hiệu quả sẽ cao hơn”.
Hỏi về những thành công ban đầu anh Quang chia sẻ: "Giờ nhìn vườn ớt tốt đều, tôi mới tự tin, lúc đầu vừa làm nhưng cũng lo lắm vì bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào hết. Trồng cây trên giá thể như thế này khỏe hơn nhiều, chẳng phải lo làm cỏ, chẳng phải bón phân, tưới nước hàng ngày như trước, chỉ có tỉa cành lá và giăng dây đỡ để cho cây không bị gãy cành. Việc tưới nước và bón phân hoàn toàn tự động, phân hòa tan sẵn trong bồn theo công thức thế là cứ tự động tưới cho cây. Nếu có công việc đi đâu xa vài ngày cũng không lo việc bón phân tưới nước. Ngoài ra, phương pháp này cũng hạn chế sâu bệnh rất nhiều, chỉ cần phun phòng bệnh khi cần thiết hoặc thời tiết thay đổi. Hạn chế được rất nhiều việc dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đảm bảo an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Trên khuôn mặt anh rạng rỡ kể về thành quả bước đầu đạt được, anh Quang không thể dấu được nỗi lo đầu ra cho sản phẩm an toàn. Hiện ớt ngọt tại Đà Lạt người nông dân chỉ bán được giá 10.000 – 12.000 đồng/kg quả loại 1 hái tại vườn. Tạo ra được sản phẩm an toàn nhưng anh cũng chỉ bán được với giá sản phẩm sản xuất theo canh tác truyền thống. Đây là nỗi lo của anh cũng như bao nông dân khác khi muốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm an toàn.
Theo TT KN - KN Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn