* Thay đổi nhận thức của người dân
Đi trên con đường được trải bê tông rộng rãi, khang trang, ông Đặng Trung Hiếu, trú tại ấp Bảo Thị, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chia sẻ: Trước đây người dân trong ấp phải chịu cảnh đường đất, vào mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Nhưng khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng loạt ở Xuân Định, từ đường xã đến từng ngõ vào ấp đều được bê tông hoá sạch sẽ, người dân ai cũng phấn khởi. Ông Hiếu cho biết, ban đầu khi bà con nghe cán bộ xã tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, ai cũng cho rằng, đường sá sẽ do Nhà nước làm, dân không phải đóng góp. Nhưng sau một thời gian, nhờ tuyên truyền người dân đã thay đổi nhận thức là làm đường hay xây trường học, trạm xá, chợ, nhà văn hoá cũng là vì mục đích dân sinh, do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nên không thể gánh vác hết mà cần sự đồng lòng chung tay của người dân.
Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Định, chính sự đồng thuận trong dân, sự chung tay ủng hộ của bà con mà Xuân Định đã có 100% tuyến đường giao thông trong xã được trải nhựa và đổ bê tông, tất cả các hộ dân đều có điện lưới quốc gia để sử dụng và đặc biệt xã không còn hộ nghèo. Các trường học trên địa bàn xã đều được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân Xuân Định đã đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc xây dựng và phát triển nông thôn mới đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm trước, trước khi Chính phủ phát động chính thức vào năm 2010. Chính vì thế, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã hoàn toàn chủ động và kết quả sau gần 3 năm đã chứng minh điều đó.
Ông Đinh Quốc Thái cho rằng, vấn đề mà Đồng Nai đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững đó là làm thay đổi nhận thức của người dân. Nếu như trước đây, người dân nông thôn vẫn cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới là việc của các cấp Trung ương và của tỉnh, ngân sách Trung ương và địa phương phải "rót xuống" để làm điện - đường - trường - trạm, thì nay người dân đã ý thức rằng xây dựng nông thôn mới là mục tiêu vì an sinh xã hội, vì cuộc sống của người dân, do đó cần phải có sự chung sức của cả Nhà nước và người dân. Vấn đề thứ hai, xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai chính là phát triển đồng bộ vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi để tạo thu nhập cao, giúp người dân phát triển một cách bền vững.
* Xây dựng từ nội lực
Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn huy động để đầu tư xây dựng nông thôn mới đối với 136 xã của tỉnh Đồng Nai gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ trên 83 tỷ đồng, còn lại hơn 2.200 tỷ đồng là nguồn vốn của địa phương. Số còn lại, gần 188 tỷ đồng là do người dân tự đóng góp. Ông Trần Vă n Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, những con số trên cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Những công trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, khi triển khai đều có đóng góp công sức của dân và chính được nhân dân giám sát, bảo quản, do đó chất lượng công trình luôn được bảo đảm.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, hiện nay Xuân Lộc đã có 5 xã hoàn thành 100% tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến hết năm 2015, Xuân Lộc sẽ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Ông Tuấn cho rằng, vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới là tuyên truyền để người dân thấy được cái lợi của chương trình mang đến cho họ. Xuân Lộc là địa phương phát triển nông nghiệp là chủ yếu. Do đó phải xây dựng những mô hình nông nghiệp tốt, những câu lạc bộ phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả cao để triển khai cho người dân thực hiện. Chính vì mạnh dạn áp dụng chuyển đổi cây, con và thực hiện những mô hình câu lạc bộ năng suất cao, do đó hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Xuân Lộc còn rất thấp (khoảng 2,4%), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, Đồng Nai đã có 6 xã đã hoàn thành 100% các tiêu chí của quốc gia và tiêu chí của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) là xã đầu tiên của cả nước hoàn thành 19/19 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới. So sánh giữa bộ tiêu chí quốc gia và bộ tiêu chí của tỉnh về xây dựng nông thôn mới cho thấy, để hoàn thành được những tiêu chí của địa phương còn khó khăn hơn tiêu chí của Trung ương. Cụ thể, đến nay Đồng Nai đã có 6 xã nằm trong nhóm 2 (nhóm đạt từ 14 - 18 tiêu chí) theo bộ tiêu chí của tỉnh. Trong khi có đến 21 xã trong nhóm 2 đã đạt được bộ tiêu chí quốc gia. Tương tự, có 49 xã đạt nhóm 3 của bộ tiêu chí tỉnh Đồng Nai đề ra, trong khi đó cũng trong nhóm 3 này có đến 70 xã đã đạt tiêu chí quốc gia .
Sỹ Tuyên
Theo tamnhin.net