*Quyết tâm đi liền với hành động
NNVN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, ông Trần Anh Chung.
Ông Trần Anh Chung |
Ông có thể khái quát tình hình triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn?
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa xây dựng NTM là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, sau khi tiếp thu các văn bản của TƯ, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã triển khai đầy đủ, chi tiết từ huyện đến cơ sở với quyết tâm cao nhất.
Để hoàn thành kế hoạch, địa phương đã thành lập BCĐ chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư làm Phó trưởng ban, tiến hành phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Nhận thức công tác tuyên truyền giữ vai trò then chốt, UBND huyện đã phối hợp với MTTQ huyện tổ chức phát động đến các ngành, các xã trên địa bàn ký cam kết thi đua cùng “Chung sức xây dựng NTM”; triển khai, thực hiện đề án “Tăng cường công tác dân vận trong xây dựng NTM”; BCĐ chương trình xây dựng NTM huyện đã phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài PT- TH Thanh Hóa, Báo Nông nghiệp Việt Nam,... thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự chuyên sâu nhằm giới thiệu các chủ trương, cách làm hay trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, BCĐ huyện đã tập trung chỉ đạo các xã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM. Thực hiện đúng với chủ trương Kế hoạch số 489/KH-UBND ngày 12/3/2015 của UBND huyện Đông Sơn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh phát triển bền vững, địa phương đã yêu cầu cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM cho phù hợp với yêu cầu của bộ tiêu chí mới, đảm bảo với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến tới hình thành thị tứ, tụ điểm kinh tế…
Có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và trên hết là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, kết quả xây dựng NTM thực sự có bước chuyển biến toàn diện. Nếu như năm 2011 bình quân chỉ đạt 5,4 tiêu chí/xã thì hết năm 2017 đã có 12/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay 14/14 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, hiện các xã vẫn đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn có gì thuận lợi; khó khăn, vướng mắc ra sao, phương án để giải quyết những nút thắt là gì, thưa ông?
Xây dựng NTM là chương trình trọng tâm thu hút được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Việc này được thể hiện thông qua những kế hoạch, cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện, chính điều đó là tiền đề để triển khai và huy động người dân cùng chung sức tham gia.
Giai đoạn đầu triển khai, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm xây dựng NTM chưa đầy đủ, còn ngại khó, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách, chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực tại địa phương.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với UBND huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền NTM bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể để phát động rộng rãi hơn nữa.
BCĐ chủ động chỉ đạo xây dựng đề án, kế hoạch, phương án phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, tranh thủ huy động nguồn lực trong nhân dân với phương trâm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” trên cơ sở đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ, đồng thời không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Không có thế mạnh về nông nghiệp, địa phương xác định hướng đi ra sao để xây dựng NTM bền vững, thực chất?
Đông Sơn khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, SX nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) bằng cách chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đẩy mạnh liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, huyện áp dụng cơ chế hỗ trợ xây dựng mới 100 triệu đồng/km đường giao thông nội đồng, 150 triệu đồng/km kênh mương nội đồng, 100 triệu đồng/cánh đồng mẫu lớn; 100 triệu đồng/khu SX NNCNC; hỗ trợ SX lúa 1,5 triệu đồng/vụ/ha theo hình thức cánh đồng mẫu lớn (CĐML) từ 30 ha trở lên, gieo trồng 1 loại giống và tiêu thụ 50% sản lượng trở lên ...
Huyện Đông Sơn đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản NNƯDCNC |
Đến nay huyện Đông Sơn đã hình thành được 16 mô hình CĐML liên kết SX và tiêu thụ lúa ở 14 xã với 592 ha; đầu tư xây dựng được 9 mô hình nhà màng, nhà lưới ứng dụng CNC; bước đầu hình thành các cơ sở SX áp dụng tiến bộ KHKT...
Ông hãy đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 26 của địa phương, trong 10 năm qua?
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU của Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực "tam nông". Phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến về chất, nhất là đã huy động có hiệu quả nội lực trong cộng đồng dân cư để triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng nông nghiệp, xây dựng NTM.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch khá rõ nét, tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản giảm từ 37,7% năm 2009 xuống còn 20,8% năm 2017 (giảm 16,9%), công nghiệp xây dựng tăng từ 40% năm 2009 lên 58,9% năm 2017.
Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 65 triệu đồng/ha năm 2009, lên 98,6 triệu đồng/ha năm 2017, tăng 33,6 triệu đồng/ha, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản giảm 36% (từ 65% năm 2009 xuống còn 29% năm 2018)
Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu SX và sinh hoạt của người dân. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư xây dựng sớm.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, không còn nhà tạm, dột nát; bộ mặt nông thôn được cải thiện, khang trang, hiện đại; thu nhập năm 2009 đạt 11,4 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đạt 38,2 triệu, tăng 3,34 lần, vượt mục tiêu Nghị quyết (tang 2,5 lần so với năm 2009) và vượt mục tiêu Chương trình hành động (tăng 2,25 lần so với năm 2010)...
Huyện Đông Sơn đã xây dựng Đề án đạt chuẩn NTM năm 2018, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình hoàn thành từng tiêu chí. Theo kế hoạch sẽ hoàn thiện hồ sơ chứng minh xã đạt chuẩn NTM trình các Sở, ngành thẩm định trước 15/8/2018.
Về tiêu chí huyện NTM, còn 3 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, giao thông và y tế - văn hóa – giáo dục, huyện dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ chứng minh đạt chuẩn NTM và trình UBND tỉnh trước ngày 30/10/2018, trình Văn phòng Điều phối NTM TƯ trước 15/12/2018.
Theo Viẹt Khánh/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn