Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong sáu tháng đầu năm là gạo, rau quả, điều và thủy sản. Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh là In-đô-nê-xi-a (đối với gạo, cà-phê, cao-su), Trung Quốc (rau quả, cao-su, thủy sản), Đức (chè, thủy sản, hạt điều), Ma-lai-xi-a (gạo, chè), I-rắc, Hồng Công (Trung Quốc), Phi-li-pin (gạo), A-rập Xê-út (chè), Mỹ (hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (cao-su, hạt tiêu). Cụ thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Với ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017. Giá trị xuất khẩu ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính đều có kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017. Một trong những điểm nhấn là năm nay nông dân các tỉnh trồng vải thiều, nhãn trọng điểm như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... được mùa nhất trong 10 năm qua, sản lượng vải thiều tăng gấp đôi so với năm 2017. Tính đến hết tháng 6-2018, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ ước đạt 144.168 tấn, tổng doanh thu ước đạt 3.975,9 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt 2.385,5 tỷ đồng và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.590,4 tỷ đồng. Những trọng tâm lớn cần đột phá Trong nỗ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm và đạt tới mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nhân đều thống nhất nhận định, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ về thiên tai cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đối với các thị trường lớn cùng xu hướng bảo hộ mậu dịch mà các nước nhập khẩu đưa ra. Để đạt mục tiêu, từ nay đến cuối năm cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, chúng ta phải có những hành động cụ thể, tích cực để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng thủy sản. Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm sớm khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết, đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết chống khai thác IUU. Nhằm khắc phục những bất cập và thực hiện các nội dung của Đoàn thanh tra EC đưa ra trong đợt kiểm tra, đánh giá vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường quản lý nghề cá, tạo chuyển biến của toàn hệ thống quản lý khai thác thủy sản, nhất là thực tiễn của các địa phương. Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể với những mặt hàng đang có giá trị xuất khẩu cao. Thí dụ, lâm nghiệp với hơn 4 tỷ USD xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, là ngành có kim ngạch và giá trị xuất siêu hàng đầu. Mục tiêu xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 9 tỷ USD là điều có thể đạt được khi Việt Nam ngày càng chủ động được nguồn nguyên liệu thông qua việc chuyển đổi hàng trăm nghìn héc-ta rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, nói không với những nguyên liệu không hợp pháp. Về lâu dài sẽ xây dựng những khu vực gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ và liên kết chuỗi giữa người trồng rừng và những công ty chế biến để nâng cao giá trị lâm sản. Với mặt hàng rau quả, bàn về giải pháp để đạt con số 3,9 tỷ USD, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: Điều kiện tiên quyết để tiếp tục đưa ngành hàng rau quả đi lên một cách bền vững, đó vẫn phải là khâu tổ chức sản xuất, nhất là sản xuất theo nhu cầu và bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Chỉ khi có sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, chúng ta mới có thể đẩy mạnh được xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, các đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đều tích cực xúc tiến thương mại cho nông sản, nhất là mặt hàng rau quả. Gần đây nhất, đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã đề nghị phía bạn sớm chấp thuận nhập khẩu quả vải. Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán để xuất khẩu quả xoài sang thị trường Mỹ. Hiện các quy trình về mặt kỹ thuật được khẩn trương tiến hành, nhiều khả năng tới quý III hoặc muộn hơn là quý IV-2018, xoài Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh việc tăng cường đàm phán, tháo gỡ và mở cửa thị trường, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các đại sứ quán tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để duy trì sự hiện diện của các mặt hàng rau quả Việt Nam tại hệ thống phân phối ở các thị trường đã được mở cửa, mở rộng thêm thị phần. Mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD được ngành nông nghiệp kiên định theo đuổi và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
| |
Theo Tâm Thời/Báo Nhân Dân.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn