Ngày 21/4/2010, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, định hướng 2030. Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng và điều kiện thực tiễn của huyện Sóc Sơn, huyện tiếp tục lựa chọn khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới là dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 12/25 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Một trong những xã điển hình trong công tác DĐĐT để xây dựng nông thôn mới là xã Tân Hưng. Năm 2010, xã Tân Hưng tiến hành công tác DĐĐT trên địa bàn xã và 5 thôn.
Người dân phấn khởi cấy lúa trên thửa ruộng rộng lớn, bằng phẳng
Bước đầu thực hiện, ban chỉ đạo xã phân công cho từng cán bộ lãnh đạo, tập trung các ngành đoàn thể đến từng thôn xóm để tuyên truyền, vận động người dân. Đa số nhân dân nhận thức được mặt tích cực của DĐĐT đem lại nên chính quyền xã Tân Hưng nhận được sự đồng lòng của nhân dân. Với những thành tích đạt được ở 3 thôn thí điểm đầu tiên là Ngô Đạo, Hiệu Chân và Cẩm Hà, năm 2011 xã Tân Hưng tiếp tục thực hiện DĐĐT ở 2 thôn Đạo Thượng và Cốc Lương.
Đến 6/2012, Tân Hưng đã hoàn thành công tác DĐĐT trên toàn bộ 5 thôn của xã. Sau dồn điền đổi thửa, từ việc mỗi hộ gia đình sở hữu trung bình 19 thửa ruộng, đến nay mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 3 thửa, thuận tiện cho việc canh tác sản xuất.
Đồng thời hệ thống đường giao thông nội đồng, thủy lợi đồng bộ hóa, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, giảm sức lao động và chi phí của người dân; thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.
Để đảm bảo công tác DĐĐT được công bằng, dân chủ và công khai, chính quyền xã đã tiến hành cho nhân dân bình hệ số đất dựa trên chất lượng đất tốt hay xấu. Ngoài ra, xã Tân Hưng cũng chỉ đạo bốc thăm hai đợt: Lần một người dân bốc thăm lấy số thứ tự, rồi dựa trên số thứ tự, người dân lên bốc thăm vị trí đất.
Hồ hởi trên thửa ruộng rộng 8,5 sào cấy lúa nếp cái hóa vàng, chị Đỗ Thị Cúc (thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng) chia sẻ: “Tổng diện tích đất nông nghiệp của gia đình tôi là 1,5 mẫu. Trước kia ruộng nhỏ lẻ, phân tán hơn chục thửa. Sau khi xã tiến hành DĐĐT, gia đình tôi còn 3 thửa, giảm bớt việc làm cỏ, phát bờ; hệ thống thủy lợi thuận tiện, máy gặt xuống tận ruộng”.
Đánh giá về công cuộc DĐĐT, ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Dồn điền đổi thửa là tiền đề xây dựng nông thôn mới, giải quyết các tiêu chí: Hình thức sản xuất, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân, rút ra quỹ đất dư rất lớn để phục vụ công trình văn hóa, giải trí xã, thôn… góp phần đưa xã Tân Hưng cán đích”.
Ông Nghị cũng cho biết thêm, hiện nay xã cũng đang tiến hành đo diện tích đất nông nghiệp của từng hộ gia đình. Đây là cơ sở để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân, để họ yên tâm canh tác.
Cùng với xã Tân Hưng, nhiều địa bàn trên huyện Sóc Sơn cũng đạt được những thành tựu về nông thôn mới nhờ DĐĐT như Minh Trí, Mai Đình, Tiên Dược…
Được xác định phát trển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất… chọn DĐĐT là khâu đột phá tạo nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác.
Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, kinh tế của huyện Sóc Sơn liên tục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ta. Tốc độ tăng trưởng đạt 8,71%, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 3,53%/năm, đạt 132 triệu đồng/ha canh tác, hình thành nhiều vùng sản xuất đạt từ 350 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/năm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn