Bắt chim câu ấp trứng... giả, chàng trai Kinh Bắc thu 70 triệu đồng mỗi tháng
Vốn là kỹ sư điện tử, nhưng anh Ngô Quang Hùng (sinh năm 1983) lại có quyết định rẽ ngang nên duyên với đàn chim câu Pháp. Hiện với việc nuôi 1.500 cặp chim câu bố mẹ, chàng trai đất Kinh Bắc này, có thu nhập “khủng” 70 triệu đồng/tháng nhờ những tuyệt chiêu nuôi chim câu “có một không hai”.
Bén duyên với chim bồ câu Pháp, anh Ngô Quang Hùng có thu nhập 70 triệu đồng mỗi tháng.ảnh: Đức Thịnh
Trước khi đến với nghề nuôi chim câu, anh từng chăn nuôi lợn, gà nhưng đều không hiệu quả. Năm 2012, anh tình cờ xem ti vi và biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là anh Hùng quyết định học hỏi kỹ thuật, đầu tư nuôi chim. Đến năm 2013, anh Hùng đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 150 cặp chim bố mẹ.
Nhận thấy nuôi chim câu cho thu nhập cao và nhu cầu thị trường còn rất lớn, anh Hùng quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng số lượng chim bố mẹ lên tới 700 cặp năm 2015 rồi 1.500 cặp chim bố mẹ như hiện nay. Hiện mỗi tháng anh Hùng xuất bán hơn 700 cặp chim thịt với giá 110.000 – 140.000 đồng/cặp, thu về hơn 70 triệu đồng mỗi tháng. Trừ hết mọi chi phí, anh còn thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ nuôi chim câu.
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim câu Pháp, anh Hùng bộc bạch: “Trong những ngày hè nắng nóng, trứng chim câu thường bị ung, hỏng rất nhiều. Để khắc phục, anh tôi thường lấy trứng chim câu cho vào máy ấp, còn để chim câu ấp trứng… giả. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng chim câu nở lên đến 90%”.
Thành công nhờ nuôi vịt, đào ao thả cá
Hỏi thăm đường đến trang trại của anh Ngô Đức Thắng (SN 1973) ở thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên) người dân địa phương ai cũng biết. Nhờ nuôi vịt và nhạy bén với thời cuộc, anh đã có cơ ngơi tiền tỷ khiến bao người mơ ước.
Sau khi rời ghế nhà trường, năm 1995, anh Thắng xây dựng gia đình. Ngày đó, hai vợ chồng anh xoay đủ thứ nghề từ mấy sào ruộng, chăn thêm đàn lợn, đàn gà… nhưng vẫn cứ nghèo. Năm 2002, anh Thắng đánh liều thuê toàn bộ diện tích khu cánh đồng lúa trũng nhất thôn Cốc Khê làm trang trại nuôi vịt đẻ, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả.
Với 10 máy ấp trứng, bình quân mỗi ngày anh Ngô Đức Thắng xuất từ 5.000 – 6.000 con vịt giống. ảnh: Đức Thịnh
Để biến cánh đồng trũng nhất thôn Cốc Khê thành trang trại VAC, vợ chồng anh Thắng đã “đổ” không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào nơi đây. Rồi để tiết kiệm chi phí thức ăn cho đàn vịt, không kể nắng mưa, anh Thắng thường lùa vịt ra khắp các cánh đồng trong và ngoài xã. Với anh Thắng, bữa ăn trưa giữa đồng với nắm cơm nguội hay gói mì tôm là chuyện thường ngày.
Đến năm 2007, vợ chồng anh Thắng làm ăn có lãi, bước đầu đã xây dựng uy tín, có địa điểm mua bán, anh lại mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm 3 mẫu ruộng, nuôi thêm 3.000 con vịt đẻ, đầu tư 10 máy ấp trứng. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của gia đình anh là 7,4ha, với 7.000 con vịt đẻ, ao thả cá rộng 5 mẫu và 12 mẫu đất trồng cây ăn quả như: bưởi Diễn, cam Vinh, na, mít,… Năm 2016, tổng thu nhập của gia đình anh đạt 5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động...
Nên cơ nghiệp từ bưởi da xanh
Chị Nguyễn Thanh Thủy là người đầu tiên mang giống Bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Xuất phát điểm là nông dân, với tài sản trong tay khoảng 14ha đất, chị Thủy luôn tìm tòi những loại trái cây phù hợp với vùng đất của mình để trồng. Sau đó chị phát hiện bưởi da xanh là loại cây thích hợp nhất với vùng đất đỏ này. Chị Thủy kể: “Tình cờ về Bến Tre tham quan những vườn bưởi, tôi nhận thấy bưởi ở đây rất to và đẹp, ăn lại ngon. Nên chúng tôi đã đưa giống bưởi này về trồng ở Bình Dương”.
Chị Thủy thành công khi mang giống bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng tại Bình Dương. ảnh: Q.N
Để lấy ngắn nuôi dài, chị Thủy đã nuôi thêm gà gia công cho 1 công ty với số lượng từ 35.000 - 50.000 con/lứa. Trang trại gà công nghiệp bà nuôi không chỉ nhanh cho thu nhập mà còn cung cấp nguồn phân tốt cho vườn bưởi. Đặc biệt, chị Thủy đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân vi sinh (làm từ phân gà) dành riêng bón cho cây bưởi da xanh; cùng với đó áp dụng kỹ thuật điều khiển bưởi ra trái vụ nhằm tăng năng suất trong cùng 1 đơn vị đất nông nghiệp. Nhờ vậy, vườn bưởi luôn cho trái quanh năm.
Năm 2001, chị Thủy thành lập mô hình trang trại và đăng ký bản quyền nhãn hiệu. Đến năm 2009, chị Thủy thành lập Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy. Để tăng lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu, ngoài trang trại của mình, chị Thủy còn liên kết với một số trang trại chuyên canh bưởi da xanh và Năm Roi ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bình Thuận, với diện tích trên 100ha; trong đó 25ha bưởi da xanh do chị Thủy cung ứng cây giống. Không dừng lại ở đó, năm 2015, bà còn đầu tư hơn 30 tỷ đồng để mua thêm 20ha đất tiếp tục trồng bưởi và một số loại cây ăn trái khác.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy chủ yếu là các thương lái ở Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội và xuất khẩu sang một số nước như Hà Lan, Séc... với sản lượng hơn 200 tấn/năm.
Theo Thu Hà- Đức Thịnh-QN/dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn