Nhà khoa học của Nhà nông
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò) được biết đến là người có niềm đam mê nghiên cứu, sản xuất lúa giống và đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân trong vùng tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Chính vì thế, ông là một trong 53 gương mặt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông”, lần đầu tiên được tổ chức vào cuối năm 2018 vừa qua. Danh hiệu này nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các chuyên gia, kỹ sư, nhà sáng chế không chuyên, có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.
Vì sao một nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng lại thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học? Hơn thế nữa, đây còn là “Anh bộ đội cụ Hồ” với 12 năm tham gia quân ngũ, trước khi bắt tay trở thành nông dân thực thụ.
Ông Nguyễn Anh Dũng kiểm tra tỉ mỉ từng hạt lúa để chọn làm giống
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dũng cho biết, sau khi xuất ngũ năm 2000, ông bắt đầu lập nghiệp với 05 công ruộng của gia đình. Kiến thức về thao trường thì đầy ắp trong ông, còn về kỹ thuật nông nghiệp thì hầu như rất mập mờ. Thế là ông quyết tâm học hỏi, tham gia nhiều lớp hướng dẫn trồng lúa. Ông kể, khi được giới thiệu các biện pháp canh tác mới là ông xung phong xin thí điểm ngay, như: sạ hàng, cánh đồng 3 giảm 3 tăng v.v.. Từ hiệu quả đó, bà con trong vùng đã tin tưởng, làm theo.
Sau khi tham gia chương trình Giống nông hộ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Dũng truyền đạt lại kiến thức đã học cho nhiều nông dân khác. Từ đó, ông bắt đầu đẩy mạnh việc sản xuất lúa giống để cung cấp lại cho nông dân và cung ứng cho doanh nghiệp.
Thế là từ một người “chưa biết gì” về trồng lúa, ông Dũng trở thành một nông dân có tiếng chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao cung cấp ra thị trường. Với ông, tất cả đều bắt nguồn từ quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Đến năm 2006, Câu lạc bộ sản xuất giống lúa, nếp Định An ra đời, với 127 thành viên, sản xuất 110 ha.
Nhận thấy nếu sản xuất giống mà không có nhãn hiệu, chỉ cung ứng đơn thuần để doanh nghiệp đóng bao bì, nhãn mác của họ thì lợi nhuận của người nông dân không cao. Chính vì thế, ông nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu lai tạo ra giống lúa “độc quyền” của riêng mình cũng như tạo ra giống mới đặc thù cho địa phương. Nghĩ là làm, vụ Đông Xuân 2006 ông Dũng mạnh dạn tự lai tạo giống.
Ông chia sẻ, trải qua 06 vụ sản xuất, tôi chọn được một cá thể vượt trội trồng ở vụ Hè Thu 2008, đến cuối năm thì giống lúa mang tên LD2008 ra đời (LD có nghĩa là Lúa Dũng). Năm 2009 giống lúa này được đưa ra sản xuất thử rất hiệu quả nhưng đến vụ Hè Thu và Thu Đông thì gạo đục, cuối cùng không thể giữ lại được đành phải bỏ đi.
Không nản lòng, ông tiếp tục chọn những cá thể còn lại, rút kinh nghiệm thất bại lần trước, lần này ông chọn cẩn thận hơn. Cho đến vụ Thu Đông 2012, ông cho ra đời giống lúa có tên LD2012, thời gian sinh trưởng ngắn 88 – 92 ngày, chống chịu rầy nâu và đạo ôn rất tốt. Khi tổ chức hội thảo được nông dân trong và ngoài huyện chọn hạng nhất. Đến nay chỉ có Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An mới có giống lúa này.
Nói về sự ra đời của giống lúa đặc sản mang tên Ngọc Đỏ hương dứa, ông Dũng kể, trong quá trình theo dõi đánh giá đồng ruộng, ông phát hiện một cá thể đặc biệt trên ruộng lúa LD2012 - một bụi lúa hình dạng khác, hạt dài, chiều cao cây cao hơn LD2012 khoảng 10 cm. Thấy cá thể lạ, ông đem về tiếp tục trồng thử, thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày, có mùi thơm nhẹ, gạo màu đỏ nên đặt cho cái tên khá mĩ mièu là Ngọc Đỏ hương dứa.
Trồng thử nghiệm qua nhiều vụ, đến khi có sản phẩm “độc lạ” này, ông Dũng mang tặng cho nhiều nơi dùng thử. Kết quả nhiều người khen ngợi, đánh giá rất cao và nhiều năm qua đã trở thành quà tặng đặc sản của quê hương Lấp Vò, đặc biệt là hàm lượng dinh dưỡng của gạo rất cao.
Cũng từ đó, diện tích sản xuất Ngọc đỏ không ngừng mở rộng và liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn huyện. Giá bán lúa tươi mua tại ruộng luôn cao hơn với giá bán lúa của một số loại giống khác, nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, do đó thu nhập của nông dân tăng lên và ổn định hơn.
Đến nay, lúa Ngọc đỏ hương dứa không chỉ được sản xuất tại Lấp Vò mà vùng sản xuất đã lan rộng ra một số huyện khác trong tỉnh. Năm 2018, ông liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 ha, tương đương 124 tấn lúa. Năm 2019 đã có thêm 04 đơn vị đặt hàng tiêu thụ lúa Ngọc đỏ hương dứa với diện tích 150 ha. Số lượng doanh nghiệp đặt hàng càng nhiều đồng nghĩa với việc ông phải tăng cường liên kết với nông dân để sản xuất giống lúa này. Mang “đứa con cưng” của mình đi gieo trồng khắp nơi, đưa sản phẩm gạo ra khắp thị trường trong và ngoài nước, với nông dân Nguyễn Anh Dũng là niềm vui khôn tả, đây cũng là cách ông từng ngày nuôi lơn đứa con tinh thần của mình.
Không dừng lại ở giống lúa Ngọc đỏ hương dứa, đến nay nông dân Nguyễn Anh Dũng còn lai tạo thành công nhiều giống lúa khác như: Tím Sen, Sen Việt và chọn lại dòng phân li OM384.
Ông Dũng và những giống lúa mới do ông nghiên cứu tại nhà lưới Hợp tác xã
Theo nông dân Nguyễn Anh Dũng, để việc sản xuất lúa của nông dân thoát khỏi cảnh bấp bênh về giá cả thì sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, không nên sản xuất theo tập quán, thói quen. Cũng chính từ quan điểm này mà ông Dũng luôn miệt mài nghiên cứu thêm nhiều giống lúa khác, có đặc tính ưu việt về sản xuất cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng về chất lượng gạo, nhất là gạo dinh dưỡng. Ngoài ra, ông đang nghiên cứu giống lúa chuyên dành cho sản xuất bột, giống lúa có đặc tính giống như lúa Huyết rồng nhưng hạt mềm và dẻo hơn.
Người nông dân này cũng mong muốn xây dựng thương hiệu gạo cho Đồng Tháp và ấp ủ ý tưởng tổ chức cuộc thi gạo ngon Đồng Tháp để tập hợp những loại gạo chất lượng còn đang “ẩn chứa” trong nhiều nông hộ.
Nông dân xuất sắc Nguyễn Văn Khanh và hướng đi gạo sạch
Gương mặt nông dân tiêu biểu thứ hai của Đất sen hồng đó là ông Nguyễn Văn Khanh, người được biết đến khi thành công với giống lúa Nhật trên cánh đồng huyện Tam Nông. Đây cũng là nông dân tích tụ được diện tích sản xuất lúa rất lớn với 120 ha – điều hiếm hoi đối với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nông dân Nguyễn Văn Khanh trên cánh đồng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết, ông sản xuất giống lúa Nhật suốt 08 năm qua, năng suất và giá bán khá cao nên lợi nhuận thu về từ 6 đến 8 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường cũng như đầu ra của sản phẩm này đã chựng lại nên từ vụ Đông Xuân 2019 ông đã chuyển sang trồng giống lúa Nàng hoa 9, Đài Thơm 8.
Điểm mới trên cánh đồng 120 ha này đó là toàn bộ đều sản xuất lúa giống thay vì sản xuất lúa thương phẩm như trước đây và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đáng chú ý, nông dân Nguyễn Văn Khanh có 60 ha lúa được cấp chứng nhận VietGAP vào tháng 4 năm ngoái.
Theo ông Khanh, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc nằm ngoài danh mục cho phép, thời gian cách ly đảm bảo đúng quy định nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng, an toàn và giảm thiểu tác hại của phân bón, thuốc hoá học ra môi trường.
“Sản xuất nông nghiệp hiện nay dùng nhiều phân, thuốc hoá học quá, nguồn nước cũng đang ô nhiễm. Nếu cứ tiếp tục đà này thì không bao lâu nữa người dân trong vùng cũng như người sản xuất sẽ nhiễm bệnh, lúc đó thì đời sống nông dân đã khó lại càng khó hơn” – ông Khanh trăn trở.
Cũng chính từ trăn trở này nên người nông dân quê hương xã Phú Cường đang từng bước nâng cao giá trị hạt gạo, từ sản xuất VietGAP rồi đến mô hình lúa hữu cơ để cho ra thị trường những hạt gạo ngon và bổ dưỡng đúng theo nghĩa của nó. Tìm hiểu qua nhiều kênh khác nhau về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, ông Khanh mạnh dạn thực hiện thí điểm 03 ha. “Khi mình thực hiện có hiệu quả rồi sẽ tiếp tục nhân rộng và hướng dẫn bà con xung quanh cùng làm theo” – ông Khanh cho hay.
Mặc dù biết là làm lúa theo quy trình hữu cơ thì năng suất chắc chắn sẽ giảm nhưng nếu sản xuất quy mô lớn, khép kín quy trình và sử dụng cơ giới hoá trong các khâu thì giá thành sản xuất sẽ giảm xuống, ngược lại giá bán sản phẩm sẽ cao hơn. Vừa cân đối được bài toán về lợi nhuận vừa cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng thì đây là hướng đi đúng và là mục tiêu mà tôi theo đuổi – nông dân Nguyễn Văn Khanh chia sẻ thêm.
Ông Khanh phải đầu tư nhiều khâu để có được cánh đồng lúa mênh mông,
thẳng tắp và mặt ruộng bằng phẳng như thế này
Nếu như điểm yếu của nông nghiệp nước ta hiện nay đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì điểm mạnh của nông dân Nguyễn Văn Khanh đó chính là sản xuất quy mô lớn. Nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn, “cò bay thẳng cánh” của ông, mặt ruộng bằng phẳng nhờ trang đất bằng tia lazer mà nhiều người không khỏi trầm trồ, khen ngợi.
Để quán xuyến được 1.200 công ruộng này, cách 02 ngày là ông Khanh phải có mặt ở đồng ruộng và đội ngũ nhân công thường xuyên túc trực để chăm sóc lúa, khoảng 30 lao động đã được tạo việc làm. Ông còn đầu tư nhiều thiết bị máy móc như: máy bơm điện, máy cày, máy xới đất, máy gặt đập liên hợp, máy kobe, kho chứa và hàng chục chiếc máy sạ phân v.v. để phục vụ cho toàn bộ diện tích sản xuất của mình, tất cả đều khép kín và cơ giới hoá.
Theo ông Khanh, chỉ có sản xuất quy mô lớn thì mới đầu tư được bài bản và bản thân tôi cũng được thoả sức thực hiện ước mơ về nông nghiệp của mình. Mặc dù tích tụ được 120 ha nhưng trong đó có 60 ha ông thuê lại từ anh chị em trong gia đình. Tiền thuê đất mỗi năm cũng không phải là con số nhỏ nên khi biết được tỉnh có chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay khi tích tụ, tập trung đất đai, ông rất kỳ vọng đây là cơ hội để bản thân ông cũng như nhiều nông dân khác nhận được hỗ trợ và sẽ mạnh dạn đầu tư nhiều hơn.
Ông cũng mong muốn, ngành chức năng nên có quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại giống, kết nối thêm nhiều doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho nông dân để lợi nhuận giữa hai bên được hài hoà, có như vậy việc sản xuất của nông dân bớt cảnh bấp bênh.
Được biết, để tăng thêm thu nhập, nông dân Nguyễn Văn Khanh còn kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch, lợi nhuận mỗi năm từ 600 đến 700 triệu đồng. Ông Khanh còn đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương 40 triệu đồng/năm.
Với sự năng động, tích cực trong phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho địa phương cũng như hỗ trợ cho nhiều nông dân khác trong vùng, những năm qua ông Khanh nhận được nhiều bằng khen từ cấp huyện đến tỉnh, đặc biệt là vào tháng 10/2018 ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018”.
Nguyệt Ánh/dongthap.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn