Là xã miền núi khó khăn, lại nằm trong vùng rốn lũ, thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, nhưng với sự nỗ lực cả cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của nhân dân, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.
Gia Thủy đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để kịp về đích NTM trong năm nay |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế, các nhà văn hóa xã, thôn... đều chưa đồng bộ, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, thu nhập, đời sống của người dân còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Gia Thủy là vùng rốn lũ, thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai. Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái xã bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều gia súc, gia cầm cuốn trôi; cây cối, hoa màu bị hư hỏng; sản xuất đình trệ, một số tuyến đường chia cắt... Điều này khiến tiến trình xây dựng NTM phần nào bị chậm lại.
Xã xác định xây dựng NTM, trước tiên phải tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.
Từ ngày xã phát động xây dựng NTM, vợ chồng anh Phạm Văn Tiến, thôn Mỹ Lộc đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm trang trại chăn nuôi tổng hợp. “Mấy năm trước, 2 vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, được chính quyền, các hội đoàn thể tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện về vốn, đất đai, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp nuôi bò, lợn, gà, chim bồ câu... Đến nay, mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng, cuộc sống khá giả hơn”, anh nói.
Song song với phát triển nông nghiệp, xã Gia Thủy còn tập trung, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khác.
Đặc biệt, với lợi thế là xã có nghề gốm truyền thống, Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 mặt bằng, xa khu dân cư để đưa các hộ làm nghề gốm về đây sản xuất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề gốm cho thanh niên trong xã. Ngoài ra, địa phương cũng đã dành riêng diện tích đất nhất định để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Quang Hà, kiểm soát viên của HTX gốm Gia Thủy cho biết: "Những năm gần đây, nhiều vật dụng bằng nhựa phát triển với giá thành rẻ khiến việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề suy giảm. Tuy nhiên, chúng tôi không nản chí mà vẫn quyết tâm gắn bó, gìn giữ làng nghề. Để tăng tính cạnh tranh, chúng tôi đã tìm tòi, đưa máy móc, khoa học công nghệ vào làm gốm để tăng năng suất lao động, giảm giá thành. Đồng thời, cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã".
Phát huy lợi thế có nghề gốm truyền thống |
Vì vậy, gốm Gia Thủy lấy lại niềm tin yêu của người tiêu dùng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, nhiều khi cung không đủ cầu. Hiện tại HTX tạo việc làm cho trên 40 lao động, doanh thu mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng.
Nhờ phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, sự tham gia của cộng đồng dân cư, đến nay 15/19 tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn Gia Thủy đã hoàn thành. Qua rà soát, xã còn 4 tiêu chí cần phấn đấu, đó là các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại- chợ nông thôn, thu nhập.
Ông Đức cho hay, đối với 4 tiêu chí trên, thời gian tới xã sẽ quyết tâm hoàn thành để kịp về đích NTM ngay trong năm nay. Cụ thể, đối với tiêu chí giao thông, xã sẽ nâng cấp, làm rãnh thoát nước 1km đường trục xã; huy động nhân dân đóng góp mua vật liệu đổ nền cùng nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, làm tiếp 1km đường trục thôn và 3km đường giao thông ngõ xóm.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã; sửa chữa, nâng cấp chỉnh trang khuôn viên trụ sở xã và 6 nhà văn hóa thôn còn lại. Về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại, xã sẽ huy động doanh nghiệp tham gia theo hình thức xã hội hóa.
Về tiêu chí thu nhập, Đảng ủy, UBND xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư trên địa bàn, phát triển mạnh các mô hình kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người toàn xã từ 27,3 triệu đồng/năm (năm 2017) lên mức 35 triệu trong năm 2018 này.
Tính đến tháng 7/2018, xã Gia Thủy đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM. Trong đó, 100% diện tích đất nông nghiệp của xã chủ động tưới tiêu, một số hệ thống kênh cấp I, cấp II đã được cứng hóa. Hệ thống điện đạt chuẩn, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Các trường Tiểu học, THCS đều đã đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Xã đã xây dựng được 1 công trình nước sạch, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã. 97% hộ gia đình đã có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh. Số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 5 nghìn người (đạt tỷ lệ 85,3%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 91,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,97%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn