Sản xuất chè tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận.
Ðòn bẩy nguồn vốn hỗ trợ
Với sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, diện mạo làng quê vùng đất Yên Bái đã có sự “thay da đổi thịt” tích cực. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Văn Chấn, Yên Bái) Hoàng Văn Vượng, sự có mặt của các HTX trên địa bàn đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho người lao động, HTX còn cùng địa phương tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội cũng như những hoạt động văn hóa cộng đồng. Ðơn cử như HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn) hằng năm đã thu mua khoảng 6.000 tấn chè cho bà con nông dân; tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, HTX thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách hơn 800 triệu đồng.
Nhưng dù được đánh giá là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, được nhiều người dân và các HTX khác đến tham quan, học hỏi, HTX Kiến Thuận hiện đang “rơi” vào tình trạng chung của các HTX - đó là cần thêm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Kiến Thuận Ðỗ Văn Lừng, cách đây ba năm, HTX thực hiện liên kết với các hộ dân, kết hợp đầu tư đổi mới công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm chè. Với số vốn gần một tỷ đồng, HTX vay thêm hai tỷ đồng nữa từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) để đầu tư, mua mới một máy tách màu chè. Cùng với đó, HTX áp dụng quy trình sản xuất, công nghệ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến đóng gói chè xuất khẩu, theo mô hình sản xuất chè tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chất lượng sản phẩm chè nhờ vậy được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn hàng “khó tính” trên thế giới như Nga, U-crai-na... “Các HTX khá dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Quỹ còn hạn hẹp cho nên gần như không đáp ứng đủ nhu cầu. Ðặc thù của những HTX nông nghiệp là cần lượng vốn lưu động lớn, cụ thể như với HTX Kiến Thuận trong vụ thu hoạch chè luôn cần ít nhất khoảng 180 triệu đồng/ngày để trang trải các chi phí cho sản xuất. Nên nhiều khi, HTX đã phải từ chối nhận thêm các đơn hàng, hoặc vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao để có nguồn thực hiện phương án kinh doanh” - ông Ðỗ Văn Lừng tâm sự.
Tương tự, HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái) trong quá trình tiếp cận công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn do rào cản về vốn. Theo Giám đốc HTX Trần Văn Kiên, sau một thời gian hoạt động, HTX đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư và vay thêm từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ một khu nhà xưởng hiện đại, lắp đặt mới một dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng,… trị giá hơn 5 tỷ đồng, mua mới hai máy xúc lật và một ô-tô tải. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm quế chủ yếu xuất thô sang Trung Quốc, giá trị kinh tế không cao. Nếu có dây chuyền chế biến sâu thành tinh dầu quế, giá trị sẽ tăng lên gấp 4 đến 5 lần. Nhưng để đầu tư một dây chuyền như thế cần hàng chục tỷ đồng. Trong khi, việc tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng đối với HTX là rất khó, vì không có tài sản bảo đảm. Kênh duy nhất tạo điều kiện thuận lợi là Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu.
Cần thêm nguồn lực
Có thể thấy, vốn đang là nút thắt lớn nhất của HTX để củng cố hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước để tăng thêm nguồn lực từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo cơ hội cho các HTX tăng trưởng bền vững được coi là một giải pháp cần thiết lúc này. Thống kê mới nhất từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 20% các HTX có khả năng tự lực vốn. Trong đó, chỉ khoảng 0,5% trong tổng số hơn 20 nghìn HTX có khả năng đủ điều kiện tiếp cận vốn từ những tổ chức tín dụng. Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản để thế chấp, cầm cố khi vay vốn. Một số HTX có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không bảo đảm tính pháp lý. “Xuất phát từ việc thiếu tài sản bảo đảm, nhiều HTX cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX hoặc thuê dịch vụ” - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Sự xuất hiện của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được kỳ vọng như một luồng gió mới mang lại hy vọng cho các HTX. Tuy nhiên, kênh vốn quan trọng này cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đó là sự eo hẹp về nguồn lực. Theo Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Phạm Công Bằng, mặc dù đã hoạt động được 10 năm nhưng đến nay vốn điều lệ được cấp cho Quỹ vẫn còn hạn chế ở mức 100 tỷ đồng. Do vậy, dù rất nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn nhưng Quỹ gần như không còn lực để cho vay mà chỉ đợi thu hồi gốc mới cho vay tiếp. Ðồng thời, cũng chính vì nguồn lực có hạn nên việc cho vay vốn những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước như cho vay những HTX xây dựng nông thôn mới, các HTX xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xử lý môi trường... chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, quá thấp so với nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2017/QÐ-TTg, trong đó phấn đấu đến năm 2018, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo tổng hợp nhu cầu mà Liên minh HTX Việt Nam thống kê thì từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn của các HTX khoảng 1.000 tỷ đồng. Do đó, Liên minh HTX Việt Nam đã có đề án trình Chính phủ và đề xuất bổ sung vốn theo lộ trình cũng như các phương án sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nhận định, nếu được Nhà nước cấp vốn bổ sung, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, góp phần giảm tình trạng vay nặng lãi, tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của các HTX cả về ngắn hạn và trung hạn để khu vực kinh tế hợp tác phát triển mạnh và bền vững.
Các HTX tại Yên Bái có nhu cầu rất lớn về vốn, trong khi vốn hỗ trợ từ Quỹ rất thấp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Không những thế, mức vốn điều lệ của Quỹ thấp nên chỉ phục vụ được khoảng 30% nhu cầu của các HTX hiện nay. Do đó, dù có nhiều lợi thế và làm ăn hiệu quả nhưng những HTX này vẫn chưa đủ tiềm lực để tiếp cận công nghệ cao. Ðó là chưa kể, khu vực HTX chủ yếu là các HTX không có tài sản bảo đảm nên rất khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, chỉ mong đợi vào nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam.
Nguyễn Ðức Lâm
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thành viên (thuộc Liên minh HTX tỉnh Yên Bái)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn